Doanh nghiệp quên trách nhiệm
Xã hội - Ngày đăng : 07:59, 19/12/2011
Những năm qua, hoạt động KTKS đã góp phần đáng kể làm tăng ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương, bảo đảm việc làm và cải thiện đời sống cho hàng vạn lao động. Song, quá trình KTKS cũng gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái và dân cư xung quanh như gây ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí. Sông, hồ bị ô nhiễm nặng. Diện tích đất và rừng bị thu hẹp, xói lở… Trước tình hình đó, tháng 5-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2008/TTg về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động KTKS. Văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng, buộc các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm cụ thể hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và cải tạo, phục hồi môi trường trong KTKS nói riêng.
Đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện, công tác ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động KTKS đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, đã có 54 dự án ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt với tổng số tiền hơn 650 tỷ đồng. Tổng hợp báo cáo của 41 tỉnh, thành phố cho thấy, các địa phương đã thẩm định, phê duyệt 1.753 dự án với tổng số tiền gần 880 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Yên Bái và Quảng Ninh có số tiền ký quỹ cao nhất, đều đạt 164 tỷ đồng. Các tỉnh có nhiều mỏ khai thác như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Bình Dương… đều quan tâm đến việc thẩm định, phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường.
Ông Hoàng Việt Dũng, Giám đốc Chi cục BVMT tỉnh Quảng Ninh nhận định, việc yêu cầu bắt buộc các tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động KTKS đã làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, tạo nên sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, bởi các dự án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt là cơ sở quan trọng làm căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức và DN thực hiện cải tạo, phục hồi, hoàn nguyên môi trường, trả lại cảnh quan và BVMT theo quy định của pháp luật.
Tính toán chi phí sát thực tế
Hiệu quả của việc thực thi Quyết định 71/QĐ-TTg là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, thực tế triển khai quy định này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo các chuyên gia môi trường, văn bản này chưa hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính tiền ký quỹ môi trường; công thức tính chi phí cải tạo, phục hồi môi trường còn chung chung, chưa cụ thể nên khó thực hiện. Những điều này cộng với việc buông lỏng quản lý đã dẫn đến tình trạng ở không ít địa phương, DN lờ việc ký quỹ và tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng.
Cũng theo ông Hoàng Việt Dũng, mặc dù Quyết định 71/QĐ-TTg đã làm thay đổi căn bản quan điểm của giới chủ mỏ về trách nhiệm cải tạo môi trường, nhưng việc quy định khoản tiền ký quỹ thực tế là quá ít so với chi phí cải tạo môi trường sau khai thác. Ông Dũng dẫn chứng, một mỏ đá nguyên liệu cho ngành xi măng ký quỹ 400 triệu đồng, một mỏ than ký quỹ 800 triệu đồng, trong trường hợp DN phá sản, chuyển đổi... thì khoản tiền này chưa đủ để tháo dỡ thiết bị, nói gì tới cải tạo, phục hồi môi trường.
Theo PGS-TS Nguyễn Danh Sơn (Viện KHXH Việt Nam), các dự án KTKS thường được thực hiện trong nhiều năm, thậm chí kéo dài tới cả chục năm, do vậy việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác sẽ được tiến hành sau một thời gian dài nhất định. Điều này đặt ra yêu cầu cho việc tính toán các khoản chi phí để cải tạo, phục hồi môi trường sao cho sát với thực tế. Cụ thể, cần rà soát để điều chỉnh và nếu cần ban hành mới các định mức chi phí có liên quan cũng như quy định về hệ số trượt giá áp dụng cho việc ký quỹ.