Hà Nội: Sẽ đủ hàng cho thị trường Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 07:57, 19/12/2011

(HNM) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc. Những việc liên quan đến công tác chuẩn bị phục vụ Tết của ngành công thương, nhất là các doanh nghiệp (DN), đang đến hồi nước rút.


Các cửa hàng, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.   Ảnh: Linh Tâm

DỰ báo, mức lưu chuyển hàng hóa tháng Tết năm nay trên địa bàn sẽ đạt 24.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, Sở Công thương Hà Nội họp với một số DN phân phối trên địa bàn để triển khai kế hoạch phục vụ Tết Nhâm Thìn 2012. Năm nay, Sở chủ động yêu cầu các đơn vị tổ chức 9 trung tâm thương mại bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu sắm Tết của nhân dân tại 9 quận, huyện, gồm Thạch Thất, Hoàng Mai, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Vì, Thanh Trì, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ. Thời gian tổ chức từ ngày 9 đến ngày 18-1-2012 (tức từ ngày 16 đến ngày 25-12 âm lịch). Đây là một hình thức khá mới, cho phép NTD từng địa phương tiếp cận với các nguồn hàng với giá phải chăng, rõ ràng về xuất xứ và bảo đảm chất lượng.

Việc đưa hàng về các địa phương có lợi cho cả hai bên cung - cầu. DN tận dụng được thời cơ sức mua tăng cao để bung hàng ra bán. Để tạo điều kiện cho DN dễ hoạt động, Sở Công thương đã trình UBND TP chấp thuận cho 95 xe chở hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết của DN được hoạt động 24/24h trên địa bàn. Động thái này góp phần lưu thông hàng hóa, tránh ùn tắc hàng có thể gây ra sự khan hàng cục bộ. Đây là biện pháp ổn định nguồn cung, góp phần ổn định giá cả thị trường...

Thời gian qua, Sở Công thương Hà Nội đã ký thỏa thuận với một số sở công thương các địa phương khác nhằm trao đổi thông tin, dẫn hướng cho DN Hà Nội tìm, ký hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác ở các tỉnh. Trong đó, một số đối tác ở 9 tỉnh/thành phố sẽ đảm nhận việc cung ứng nguồn nông, thủy sản cho DN Hà Nội và có thể tiêu thụ sản phẩm công nghệ của DN Hà Nội. Các DN đang khẩn trương triển khai những phương án kinh doanh cụ thể, tập trung thu mua, tồn trữ, bảo quản để duy trì hoạt động sẵn sàng bung hàng ra bán khi thị trường vào "cao điểm". Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã khai thác, dự trữ nguồn hàng và có phương án phục vụ với 9 nhóm hàng thiết yếu, kéo dài từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán 2012, gồm 1.061 tấn gạo, 542 tấn thịt, 2.424 tấn thực phẩm chế biến, 575 tấn rau củ quả... Tổng lượng hàng hóa dự trữ trị giá 905 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết năm ngoái. Đại diện Hapro cho biết, các DN thành viên tập trung vào bộ sản phẩm truyền thống như bánh chưng, giò cùng nhiều loại bánh mứt kẹo của các hãng nổi tiếng trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà… Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Hapro cho biết, đơn vị ưu tiên dùng hàng nội do phù hợp với khả năng tài chính và thói quen tiêu dùng của bà con.

Trên thực tế, qua các dịp Tết gần đây, NTD Thủ đô ngày càng tín nhiệm hàng trong nước và điều đó cho thấy sức vươn của DN nội, sức lan tỏa, sự đồng thuận của xã hội với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Hapro đang kiên trì thực hiện chiến lược mở rộng hệ thống kinh doanh, mới đây nhất là việc khai trương 3 siêu thị, cửa hàng tiện ích thương hiệu Hapromart tại Đan Phượng, Từ Liêm, Đông Anh. Những địa điểm này sẽ bổ sung danh sách kinh doanh, góp phần nâng cao doanh số bán hàng đồng thời quảng bá thương hiệu Hapro trên thị trường. Siêu thị Big C cũng chuẩn bị số lượng hàng phục vụ Tết 2012 tăng 25-30% so với tết năm 2011. Big C chủ động kiểm soát chặt chất lượng các loại hàng hóa, đàm phán giá nhập đầu vào hợp lý, nhất là với các mặt hàng chủ đạo như bánh mứt, kẹo; thực phẩm và chủ trương hợp tác với các nhà cung cấp lớn, uy tín nhằm tạo ra mức giá tốt cho khách hàng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường các dịch vụ liên quan, như bố trí xe buýt miễn phí, giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp, tăng cường bộ phận thu ngân, an ninh, vệ sinh… tạo sự thuận tiện nhất cho khách hàng khi đến mua sắm. Tết năm nay, Big C đưa ra 20 loại giỏ quà, được thiết kế và có mức giá khác nhau, có giá 54.900-1.900.000 đồng...

Theo các chuyên gia, hiện tại rất khó dự báo chính xác về sức mua của NTD, tuy nhiên bức tranh thị trường có thể sẽ không quá sôi động như mong muốn bởi còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Đó là tỷ lệ lạm phát cao diễn ra từ đầu năm, mức thu nhập của đại bộ phận dân cư không thay đổi, công nhân và người lao động phổ thông gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN đình đốn… Những thông tin mới nhất cũng dự báo, mức thưởng và thu nhập trong dịp Tết sắp tới của nhiều ngành nghề sẽ không thể như ý, thậm chí thấp hơn Tết năm ngoái. Trong khi đó, một số DN cũng dự đoán là giá tiêu dùng trong dịp Tết Nhâm Thìn có khả năng tăng, nhưng không tăng cao hay "sốt" cục bộ, mà chỉ tăng khoảng 5-10% so với Tết trước.

Hồng Sơn