Bệnh tùy tiện

Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 19/12/2011

(HNM) - Tháng vừa rồi không biết thế nào mà rộ lên chuyện cháy. Cháy cao ốc, cháy xe giữa đường, cháy bình gas, mà nào phải chỉ cháy một điểm kinh doanh gas hay một chiếc xe cho cam.


Lắng nghe từ hướng khác cũng thấy có chuyện không vui. Giá vàng nhảy múa như điên giờ ra chiều đủng đỉnh hạ, dù giá vàng thế giới rớt mạnh. Tết đã ở trước mặt, đâu đó phía Nam vội rục rịch tăng giá vé vận chuyển hành khách, như thể đến hẹn là... phải tăng. Ra chợ về, các bà các mẹ bắt đầu phàn nàn "giá thực phẩm lên rồi". Cơ sự này, cái sự tùy tiện, thích tăng giá là tăng ắt hẳn gây khó cho chủ trương bình ổn giá của Nhà nước.

Nhìn sang lĩnh vực văn hóa, chưa kịp vui vì nghe đâu một vài phim "bom tấn" của nền điện ảnh thế giới ra mắt khán giả Việt Nam sớm hơn mấy ngày so với nhiều nước giàu có hơn mình, đã nghe người từ trong thành phố Tuy Hòa nói Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 đang đà sôi nổi, đông người xem lắm, chỉ có điều một số thầy, cô giáo thế nào lại dẫn trẻ đi xem "phim hơn tuổi". Con trẻ đỏ mặt trước cảnh "nóng", đứa yếu bóng vía rú lên vì sợ trong lúc nhà tổ chức có thể xoa tay vì "thành tích" lấp đầy rạp chiếu.

Ngoài Hà Nội, ngóng mỏi cổ chưa thấy "kết luận cuối cùng" của cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật cấp cao nhất về văn bản giải trình của Cục Nghệ thuật biểu diễn vì đã cấp phép cho liveshow Chế Linh dù trước đó Sở VH,TT&DL Hà Nội đã từ chối tiếp nhận giấy phép tổ chức biểu diễn liveshow này. Nói "ngóng mỏi cổ" là vì người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL từng cam đoan sẽ có nhời trước công luận về việc này. Vậy mà bao ngày đã trôi qua, người quan tâm chưa hết tò mò xem giữa hai cách hành xử trái ngược nhau đối với cùng một vụ việc của Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh (nơi quyết liệt từ chối tiếp nhận liveshow Chế Linh và giám sát đến cùng để không cho biểu diễn), quyết định nào là đúng, phía nào là sai. Đến giờ, sự im ắng cũng cho thấy cái sự tùy tiện như cách ra quyết định của cơ quan chức năng...

Tai nạn, hỏa hoạn cũng có khi vì nguyên nhân khách quan, nhưng những điều đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua chủ yếu là do sự bất cẩn của người mình cả. Chuyện của ngành văn hóa, ngẫm ra cũng là do người chủ trì từng việc không nhất quán, không kiên quyết với định chế đã được ban hành, mỗi nơi "vận dụng" một kiểu nên mới ra sự tréo ngoe đến thế. Nhiều chuyện dở đã xảy ra, đằng sau đó ta vẫn thấy, vẫn được nghe kết luận nguyên nhân, thể nào cũng có ý tứ về sự chủ quan, coi thường nội quy, nguyên tắc, coi thường luật pháp. Luật Phòng cháy, chữa cháy có rồi, sao ban quản lý chung cư vì doanh thu vẫn cho ô tô đỗ dàn hàng trên đường nội bộ, xảy ra cháy, lấy đâu đường cho xe cứu hỏa vào? Luật về giao thông cũng đã có rồi, sao ra đường vẫn có nhiều người lấn đường, lấn tuyến, vượt ẩu để xảy ra thảm cảnh? Tại sao quanh ta vẫn còn quá nhiều câu hỏi lớn, như thể tại sao "quản lý rừng đặc dụng mỗi nơi một kiểu", tại sao "giám sát ô nhiễm nước thải, mỗi nơi mỗi cách"; rồi là sự khác về cách thức vận hành trong triển khai chủ trương cải cách hành chính ở một số địa phương, là cách thu phí đầu năm loạn xạ giữa các trường...

Lề lối ứng xử do con người định ra, theo một tiến trình từ đơn giản đến hoàn thiện, bao quát đời sống và hành vi. Xã hội Việt Nam từ lâu đã vận hành theo luật, nên chuyện nhỏ, chuyện to hầu như là hậu quả từ cách hành xử tùy tiện, vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp, quy tắc. Tự thấy đã đến lúc không thể chỉ đổ cho mặt hạn chế của nền văn minh lúa nước được nữa.
Vẫn thấy truyền thông viện dẫn "trình độ dân trí" khi tìm nguyên nhân của một việc nào đó, thành công hay thất bại, đặc biệt là khi nói về lối sống, nếp sống. Hiểu theo nghĩa rộng, dân trí là sự hiểu biết về mọi mặt tự nhiên, xã hội của người dân, dân trí cao thì xã hội được hưởng lợi, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, giảm thiểu những hệ lụy do kém hiểu biết. Dân trí thấp dẫn đến sự tụt hậu. Ở Việt Nam, chưa thấy có nghiên cứu cơ bản về vấn đề dân trí ở tầm tổng quát, mới chỉ thấy những chỉ báo được đưa ra khá rời rạc mà khi liên kết lại, ta rất khó nhận chân vấn đề. Tuy thế, trong một xã hội hiện đại, yếu tố quan trọng bậc nhất để xác định dân trí cao hay thấp là ý thức tuân thủ, sống và làm việc theo luật pháp. J.Sieyès, chính khách Pháp cuối thế kỷ XVIII, định nghĩa rằng, "quốc gia là một tập thể người liên kết sống theo cùng một luật pháp và đạt được đại diện bởi cùng một cơ quan lập pháp". Như thế, những cá nhân rời rạc, không có mối liên kết chung và không tôn trọng mối liên kết ấy, tập hợp lại không thể tạo ra một quốc gia mạnh được. Xét trên tiêu chí này, dựa vào những hiện tượng chưa đầy đủ đã dẫn trên, dù dễ dàng nhận ra trình độ dân trí đã được nâng lên đáng kể trong thời gian qua thì có lẽ nhiều người trong số chúng ta vẫn cần phải khiêm tốn tự nhìn lại mình một cách nghiêm túc.

Gần đây thấy nói nhiều hơn về "quan trí", tức trình độ hiểu biết mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và những người quản lý hệ thống đó. Theo nguyên tắc của chế độ ta, cán bộ là công bộc của dân. Vì vậy nói về trình độ hiểu biết của cán bộ mà gọi là "quan trí" chưa hẳn đã đúng hoàn toàn, nhưng cứ tạm gọi như vậy. Dù nội hàm của hai khái niệm dân trí và "quan trí" là đồng nhất, nhưng với vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ, ở vị thế góp phần trực tiếp tạo ra các giá trị xã hội, mức độ ảnh hưởng từ "quan trí" thường là lớn hơn. Trong thực tế, ta vẫn nghe chuyện lĩnh vực này, địa phương kia có sự bất cập, ấy là do trình độ tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ ở đó chưa xứng với nhiệm vụ được giao, hoặc giả là đầy đủ trình độ nhưng cố ý làm sai chủ trương, định hướng, vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Không thiếu cán bộ, viên chức do hiểu biết hạn chế nên hiến kế sai. Nhưng cũng không hiếm cán bộ công quyền lạm dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi riêng, làm thiệt hại cho xã hội. "Quan trí" thấp ở một bộ phận cán bộ dẫn đến hệ lụy khó lường, sự tùy tiện của cán bộ có thể gây ảnh hưởng xấu ở tầm rộng hơn dân thường, thậm chí kéo theo diễn biến phức tạp khác. Kẻ lừa đảo giỏi cũng chỉ được trăm tỷ đồng, có thể làm khổ vài chục gia đình. Nhưng cán bộ có chức, có quyền cấu kết lại có thể tham ô, làm thất thoát hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng, làm thất bại cả những dự án lớn và khiến hàng nghìn người điêu đứng. Một đại biểu Quốc hội giỏi, có trách nhiệm, thấm thía nguyện vọng của cử tri thì từng ý nói ra ở nghị trường đều có lợi cho cộng đồng, cho đất nước; ngược lại, người kém hiểu biết, không nắm vững vấn đề, "nổ" tùy tiện thì mọi sự tham mưu không có giá trị, thậm chí gây hại. Sự tùy tiện vượt khuôn khổ của cá nhân không thể là lối ứng xử văn minh. Nếu những quy định về an toàn cháy nổ được chấp hành nghiêm thì đâu có chuyện cả nhà lâm nạn vì nổ bình gas. Sự tùy hứng, không thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không hoàn thành trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của cán bộ chức năng khiến cho dân cư ở nhiều cao ốc lo ngay ngáy, khiến tiểu thương, các doanh nghiệp thích tăng giá là tăng...

Dân trí cao, "quan trí" cao là mong ước, là mục tiêu của bất cứ quốc gia nào. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Công tác ấy đòi hỏi một quy trình đầy đủ, bao gồm nhiều giải pháp hỗ trợ nhau suốt quá trình đào tạo - bồi dưỡng - sử dụng. Trong quy trình ấy cần nhất là thưởng - phạt phân minh, định rõ ngay - gian, có phép trị căn bệnh tùy tiện và thói khinh nhờn kỷ cương trong cơ quan công sở cũng như ngoài xã hội.

Huy Anh