Nói và làm
Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 19/12/2011
Công ty cổ phần Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng đã có những phần việc thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh với tiêu cực chứ không dừng ở hô khẩu hiệu như trước đây. Nào là bàn cách xóa bỏ tình trạng "một ông chủ - hai đội bóng", các CLB phải thông báo mức thưởng của mình trước khi mùa giải bắt đầu - không quá 500 triệu đồng/trận thắng dưới bất kỳ hình thức nào, nào là kiểm soát chặt vấn đề chuyển nhượng cầu thủ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để ngăn ngừa, xử lý tận gốc những hành vi tiêu cực… Mừng là chỉ một ngày sau khi nhậm chức với những lời hứa, các quan chức VPF đã bắt tay vào làm, cùng đại diện cơ quan an ninh có mặt tại Đà Nẵng để gặp gỡ các trọng tài, giám sát - bộ phận chuyên môn vốn để lại nhiều tai tiếng trong những mùa giải trước.
Nhưng, liệu trong mùa giải mới tiêu cực có chấm dứt không? Điều đó thì còn phải chờ bởi thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài lòng nhiệt tình của VPF, như ông Nguyễn Văn Mùi - cựu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài QG từng nói: "Từ lâu tôi đã không đồng ý với việc quy tiêu cực cho trọng tài. Nếu các đội bóng không tiêu cực, không đưa phong bì, thì trọng tài làm sao có cái mà nhận? Các CLB sạch, môi trường bóng đá sạch thì trọng tài sẽ sạch".
Xem ra, ngoài việc nói chuyện với các trọng tài, điều các ông bầu cần làm là "làm sạch" chính mình cũng như BHL, các cầu thủ dưới quyền. Sạch ở đây còn bao hàm cả ý nghĩa là phải đá đẹp, biết tôn trọng các quyết định của trọng tài. Có thế mới mong hạn chế được tiêu cực, xây dựng hình ảnh đẹp về V.League, đưa bóng đá Việt Nam phát triển.