Tìm đâu nguồn nhân lực?

Xã hội - Ngày đăng : 06:29, 19/12/2011

(HNM) - Quyết tâm giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố bằng giải pháp căn cơ là chăm lo cho tuyến y tế cơ sở gồm bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế xã phường, Hà Nội đã và đang đầu tư mạnh về kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp, xây mới các cơ sở này.

Như vậy, thành phố đã giải quyết được hai vấn đề khó khăn là địa điểm và kinh phí, song vẫn còn một trở ngại không dễ vượt qua để "kéo" bệnh nhân đến với tuyến y tế cơ sở, đó là nguồn nhân lực.

Sử dụng trang thiết bị hiện đại khám, chữa cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Ba Vì. Ảnh: Hữu Oai

Xây bệnh viện không khó

Thành phố hiện có 41 bệnh viện (BV), 29 trung tâm y tế quận huyện, ngoài ra còn có 45 phòng khám đa khoa khu vực, 4 nhà hộ sinh, 577 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Trong những năm qua, thành phố đã chú trọng đầu tư cho lĩnh vực y tế, với tổng số kinh phí để xây mới, nâng cấp và mở rộng các cơ sở y tế trong 4 năm là gần 1.670 tỷ đồng. Cùng với xây "vỏ", bằng đề án hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho các BV công lập thuộc Hà Nội giai đoạn 2007-2010 với tổng kinh phí 1.033 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa và vốn vay khoảng 653 tỷ đồng, ngân sách cấp 380 tỷ đồng, "ruột" của các cơ sở y tế đã được hiện đại hóa nhờ các trang thiết bị tiên tiến. Các phòng khám đa khoa, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cũng được nâng cấp về trang thiết bị với số tiền trong hai năm 2010 và 2011 là 260 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Y tế tại buổi làm việc giữa Hà Nội với Bộ Y tế cuối tuần qua, cơ sở hạ tầng y tế của Thủ đô sẽ tiếp tục được đầu tư trong giai đoạn tới. Ngay trong năm 2012, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư xây mới các BV với 1.450 giường bệnh gồm BV Đa khoa Hà Nội, Nhi Hà Nội, Đa khoa Mê Linh, Đa khoa miền núi Ba Vì, Đa khoa Gia Lâm, Mắt Hà Nội, Phục hồi chức năng... Đồng thời, các cơ sở hiện có cũng được cải tạo, nâng cấp để tăng 1.550 giường bệnh. Trong tương lai xa, để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm y tế tầm cỡ khu vực và quốc tế, ngành y tế đề xuất xây dựng 5 cụm tổ hợp công trình y tế đa chức năng. Quy hoạch phát triển trên cho thấy cần một nguồn nhân lực rất lớn.

Dựng thương hiệu mới khó

Nhà cửa khang trang, trang thiết bị hiện đại chưa đủ để làm nên thương hiệu của một cơ sở khám, chữa bệnh. Với người bệnh, trình độ, năng lực của thầy thuốc mới là điều tạo nên niềm tin với họ. Xây BV, mua máy móc, thiết bị chỉ cần có đất và tiền, còn để có đội ngũ sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư đó, tạo nên chất lượng cao trong khám chữa bệnh, từ đó thu hút bệnh nhân đến với tuyến y tế cơ sở không đơn giản. Trong khi công suất sử dụng giường bệnh ở BV thành phố lên đến 120% so với kế hoạch, 104% so với thực tế thì nhiều cơ sở tuyến dưới vẫn dưới tải. Kéo bệnh nhân đến với tuyến cơ sở càng khó hơn đối với Hà Nội, bởi có đến 16 BV đa khoa, chuyên khoa lớn của trung ương đóng trên địa bàn.

Chưa kể đến chuyện có bác sĩ giỏi về tuyến dưới làm việc, việc có đủ bác sĩ theo chỉ tiêu được giao đã rất khó khăn. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, mặc dù thành phố đã có cơ chế, vào BV, trung tâm y tế tuyến huyện chỉ cần thông qua xét tuyển nhưng cũng không đủ nguồn tuyển. Với trạm y tế xã, phường thì việc có bác sĩ về làm việc còn khó khăn hơn nhiều. Hiện chỉ có 507 trạm y tế xã, phường có bác sĩ, trong đó 442 bác sĩ biên chế tại đó, số còn lại là bác sĩ được tăng cường từ BV, phòng khám đa khoa quận, huyện. Ông Hiền cũng cho biết, nếu các dự án đầu tư cho ngành y tế triển khai đúng tiến độ, các đơn vị này có khả năng thu dung bệnh nhân để hoạt động theo đúng công suất thiết kế thì dự kiến trong 5 năm, từ 2011 đến 2015, Hà Nội cần 3.620 bác sĩ. Đây là con số không nhỏ bởi thời gian đào tạo bác sĩ là 6 năm và theo các chuyên gia, phải 10 năm sau họ mới vững tay nghề.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, để có đủ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu cùng việc tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển đối với bác sĩ về công tác tại cơ sở y tế quận, huyện, ngành đang đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ sinh viên trường y có cam kết về công tác tại Hà Nội từ khi họ đang học các năm cuối trong trường. Cùng với đó là triển khai các hình thức đào tạo liên thông và tuyển thí sinh Hà Nội thi vào trường y nhưng có điểm thi thấp hơn điểm trúng tuyển 1,2 điểm để đào tạo. Đây là những giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực y tế, nhưng lại không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của riêng thành phố.

Tùng Linh