Quan hệ Nga - Mỹ: Gia tăng quan ngại
Thế giới - Ngày đăng : 06:13, 19/12/2011
Tên lửa SM-3 của Mỹ chuẩn bị được triển khai tại Romania. |
Sau tuyên bố triển khai kế hoạch điều động 4 tuần dương hạm trang bị hệ thống tên lửa Aegis ngoài khơi Tây Ban Nha - một phần của Hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (NMD), khoảng một tháng trước, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục thử nghiệm khả năng đánh đòn phủ đầu bằng việc sử dụng một trận địa radar di động tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, Nga đã đưa vào trực chiến một hệ thống cảnh báo tên lửa hiện đại có tên "Voronezh - DM" đặt tại tỉnh Kaliningrad, sát biên giới với Liên minh Châu Âu (EU). Gần đây nhất, ngày 15-12, Tổng thống Romania Traian Basescu đã chính thức ký hiệp ước cho phép Mỹ triển khai lắp đặt các tên lửa đánh chặn tại căn cứ không quân Deveselu. Việc triển khai tên lửa đánh chặn tại Romania dự kiến được hoàn thành vào năm 2015 và đây là giai đoạn hai trong kế hoạch gồm bốn giai đoạn triển khai lá chắn tên lửa tại Châu Âu mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hoạch định từ năm 2009. Cùng với tên lửa đánh chặn SM-3, Mỹ sẽ duy trì 200 binh sĩ đóng tại căn cứ quân sự Deveselu và trong trường hợp cần thiết, con số này có thể tăng tới 500. Theo kế hoạch mà NATO công bố trước đó, trong giai đoạn ba và bốn, NATO sẽ tiếp tục triển khai các thiết bị quân sự tới sát biên giới Nga, trong đó có một phần được bố trí tại Ba Lan.
Lẽ dĩ nhiên việc Mỹ đưa tên lửa tới sát Nga, cách Hạm đội biển Đen chỉ có 500km ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội của Nga. Cho rằng việc Washington không tính đến lập trường của các bên liên quan là một quyết định "qua mặt" có khả năng ảnh hưởng đến an ninh và ổn định ở khu vực Châu Âu, trong một tuyên bố đưa ra ngày 16-12, Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov đã khẳng định, Nga không thể cho phép phá vỡ sự cân bằng chiến lược hiện nay như một hệ quả của các hành động đơn phương của các đối tác phương Tây nhằm triển khai lá chắn tên lửa ở Châu Âu. Như đã được chứng minh từ trước, động thái từ xứ sở Bạch dương trước mối đe dọa hiển hiện tới an ninh quốc gia sẽ không thể là phản ứng suông. Dư luận đang chú ý tới dự án vừa được Chỉ huy Các lực lượng tên lửa chiến lược Nga - Trung tướng Sergei Karakayev đưa ra về việc chế tạo một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, có trọng lượng lên tới 100 tấn, có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại mà Mỹ đang muốn dựng lên ở Châu Âu.
Trên thực tế, sự gia tăng căng thẳng Nga - Mỹ trong những ngày gần đây đã được tiên liệu từ ngay sau khi hai bên ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn mới (START mới) nhưng không đạt được tiến bộ nào liên quan tới NMD - một chướng ngại lớn nhất trong quan hệ song phương. Các cuộc thảo luận đều đi vào bế tắc khi hai bên kiên quyết bảo vệ lập trường của mình. Nga muốn thành lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung, đặt trên cả lãnh thổ nước này theo nguyên tắc bình đẳng, phối hợp phân tích các nguy cơ, cùng xác định những địa điểm bố trí tên lửa đánh chặn và thành lập cơ cấu hạ tầng chung về quân sự - kỹ thuật. Trong khi đó, Mỹ và NATO kiên trì ý tưởng cần thiết lập hai hệ thống phòng thủ độc lập và trao đổi thông tin.
Theo quan điểm của Điện Kremlin, Mỹ không chỉ không sẵn sàng đưa ra bảo đảm pháp lý về việc NMD sẽ không nhằm vào lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, mà ngược lại, Washington ngày càng thúc đẩy để các tên lửa đánh chặn của Mỹ được triển khai gần biên giới của Nga như ở Ba Lan và Romania. Mấu chốt ở đây là việc phương Tây làm ngơ trước những quan ngại của Nga. Thái độ thách thức của Washington và các đồng minh tất yếu dẫn tới những phản ứng của Mátxcơva. Thực tế này đang kéo Châu Âu đến gần một cuộc chạy đua vũ trang tưởng chừng đã lui vào quá khứ giữa Nga và Mỹ.