Sống “ảo” như… phim

Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 18/12/2011

(HNM) - Những bộ phim tình cảm sướt mướt

Em Nguyễn Văn Minh (lớp 11, Trường THPT Phạm Hồng Thái):
- Lớp em có nhiều con gái nên cứ mỗi lần có bộ phim Hàn Quốc hay Đài Loan nào chiếu trên ti vi là các bạn lại đua nhau bắt chước thần tượng. Từ kiểu quần áo, trang điểm đến cách nói chuyện, thể hiện tình cảm đều phải… y như phim. Hầu hết các bộ phim này đều có một mô típ na ná nhau, tràn ngập hình ảnh những cô gái ngây thơ, ngờ nghệch hoặc cá tính, khác người nhưng luôn may mắn và gặp được chàng "hoàng tử" đẹp trai, nhà giàu. Có bạn HS lúc nào cũng mang dáng vẻ "tiểu thư đài các" và hoang tưởng sợ mình mắc bệnh… nan y, lại có bạn cố ra vẻ cá tính bằng cách quậy phá, nghịch ngợm như con trai. Đôi khi, sự giả tạo, bắt chước của các bạn ý làm mọi người khó chịu, dần xa lánh.

Em Hoàng Mai Lan (lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn):
- Em cũng là fan hâm mộ những bộ phim tình cảm như vậy. Nhưng phim ảnh và đời thực bao giờ cũng có một khoảng cách rất lớn, thế nên em chỉ xem phim cho vui, mục đích là giải trí sau mỗi ngày học căng thẳng. Tất nhiên, với lứa tuổi HS chúng em, việc học tập vẫn là quan trọng nhất. Do đó, các bạn không nên vì mải mê theo dõi những bộ phim dài tập hay cố công bắt chước lối sống ảo tưởng trong phim mà xao nhãng việc học. Ở nhà em luôn có quy định bất thành văn, là bao giờ làm xong hết bài tập mới được xem phim và cũng chỉ xem những bộ phim phù hợp với lứa tuổi.

Cô Trần Thị Vân (giáo viên dạy văn, Trường THPT Tân Lập):
- Ở lứa tuổi mơ mộng, không phải em HS nào cũng nhận thức được sự khác nhau giữa phim ảnh và đời sống thực. Trẻ cũng rất dễ bị ảnh hưởng vì những hành động của những diễn viên, ca sĩ thần tượng tham gia đóng phim, từ việc trang điểm, ăn mặc, lối sống dễ dãi chỉ biết đến cái tôi của mình cho đến những hành vi bạo lực, "nổi loạn" để khẳng định bản lĩnh.

Các kênh truyền hình hiện nay chú trọng những bộ phim hành động hay tình cảm ăn khách, ít thấy phim hay thực sự có nội dung giáo dục lối sống cho giới trẻ. Những bộ phim hồn nhiên, trong sáng dành riêng cho lứa tuổi các em rất hiếm. Tôi nhớ gần đây nhất, truyền hình có chiếu bộ phim "Những thiên thần áo trắng", trong phim, các em phản đối việc dạy theo kiểu "đọc - chép" bằng cách không cần lên lớp nghe thầy, cô giảng bài hay thoải mái phát biểu "em không thích bài thơ này" ngay giữa giờ kiểm tra văn… Đây là những hành vi chỉ có trong phim chứ không nên xảy ra trong môi trường giáo dục.

Do đó, trước những ảnh hưởng tiêu cực của phim ảnh, trẻ rất cần sự định hướng của thầy cô và cha mẹ, giáo dục các em nên sống thực với bản thân mình. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng không nên để trẻ theo dõi những bộ phim tình cảm vượt quá lứa tuổi của mình.

Thanh Phong