Đột phá từ khâu cán bộ
Chính trị - Ngày đăng : 05:59, 18/12/2011
Năm 2012 là năm diễn ra đại hội Đoàn các cấp, vì vậy khâu chọn lựa cán bộ trẻ theo tiêu chuẩn; luân chuyển những cán bộ đoàn quá tuổi cần được tổ chức Đoàn tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng, thì mới có kết quả tốt". Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn, Nguyễn Đắc Vinh đã khẳng định vậy tại buổi giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi khu vực phía Bắc diễn ra đầu tháng 12 tại Hà Nội.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn, cần có chính sách hợp lý nhằm thu hút tài năng trẻ đào tạo và sử dụng. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Bí thư kiêm… Bí thư
Tại hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi khu vực phía Bắc, cán bộ đoàn các tỉnh, thành đều nêu tình trạng không có nguồn tốt để đưa vào danh sách nhân sự ở đại hội Đoàn cấp cơ sở năm 2012.
Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình Nguyễn Thị Phượng trăn trở, đại hội cấp chi đoàn, bầu bộ khung (BCH chi đoàn) rất khó, bởi đa số thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát và nhiệt tình đã đi làm ăn xa. Số còn lại ở địa phương thì hầu hết là những thanh niên hạn chế về nhiều mặt, hoặc mải lo làm ăn, hoặc không tham gia hoạt động Đoàn. Sẽ rất hình thức nếu đưa những thanh niên này vào danh sách bầu bộ khung. Đối với cấp Đoàn cơ sở, cũng không có nhiều lựa chọn, vẫn phải chấp nhận không ít cán bộ Đoàn có trình độ, kỹ năng thanh vận hạn chế. Bởi nhân sự đa phần là con em cán bộ, lãnh đạo địa phương, thậm chí là con Bí thư Đảng ủy - Chị Phượng tâm tư.
Cán bộ Đoàn cơ sở là cầu nối tổ chức Đoàn với thanh niên, nhưng với thực trạng cán bộ như vậy thì tình trạng thanh niên không được thụ hưởng quyền lợi từ hoạt động Đoàn; chính sách, chủ trương của Đảng, của Đoàn không đến được thanh niên là điều khó tránh. Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình Hoàng Thái Phúc thừa nhận qua kiểm ra, rà soát ở Thái Bình, tình trạng trắng chi đoàn, Bí thư chi bộ kiêm Bí thư chi đoàn thôn, xóm vẫn còn. Những nơi có cán bộ chi đoàn thì đa phần hoạt động lẹt đẹt. Năm Thanh niên 2011 hứng khởi với rất nhiều kế hoạch, phong trào được triển khai rầm rộ từ trung ương, nhưng về đến cơ sở cũng chỉ "nhúc nhích" bằng việc quyên góp ít kinh phí tặng vài suất quà cho gia đình chính sách; huy động thanh niên làm vệ sinh môi trường quanh khu vực trụ sở UBND xã mà thôi…
Thực trạng trên cho thấy bức tranh "ảm đạm" trước việc tuyển chọn, quy hoạch cán bộ Đoàn cơ sở cho nhiệm kỳ đại hội 2012-2017 và cả phong trào Đoàn tới đây. Ở đây có thể thấy rõ nhất vẫn là trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn cấp trên cơ sở trong việc tổ chức phong trào thanh niên và vai trò tham mưu cho cấp ủy cùng cấp về công tác này. Bên cạnh đó là sự thiếu quan tâm, chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là vấn đề quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ. Tình trạng này là hệ quả của một quá trình kéo dài, không dễ giải quyết ngay được.
Tổ chức Đoàn chủ động, cấp ủy Đảng quan tâm
Nội tại dù còn nhiều khó khăn, song so với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Đoàn thanh niên TP Hà Nội là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền và được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện và đồng hành với thanh niên trên các lĩnh vực. Thành ủy luôn ủng hộ các hoạt động, phong trào cho thanh niên, đặc biệt đối với công tác cán bộ. Thành ủy đã đồng ý về chủ trương để Thành đoàn Hà Nội tổ chức thi tuyển viên chức, tiêu chuẩn do Thành đoàn xây dựng và chọn lựa, nhằm bổ sung những cán bộ có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội đã sáng tạo, chủ động tổ chức khảo sát tình hình cán bộ Đoàn, nắm bắt những khó khăn về kinh phí đối với hoạt động Đoàn cơ sở, từ đó đề xuất với Thành ủy, HĐND, UBND nâng phụ cấp cho bí thư chi đoàn và tăng kinh phí hoạt động của Đoàn, Hội.
Dễ dàng so sánh khi một sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có thể tìm được một công việc với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, trong khi đó chấp nhận làm cán bộ đoàn cơ sở thì lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Vì lẽ đó, tổ chức Đoàn cần có giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện và góp phần tháo gỡ những bất cập trong hoạt động Đoàn ở cơ sở, để thúc đẩy phong trào thanh, thiếu niên phát triển. Tích cực tham mưu với cấp ủy về chính sách đối với cán bộ Đoàn để vừa thu hút được cán bộ, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn. Ngoài việc động viên, phát huy tính tích cực, tinh thần dấn thân của tuổi trẻ, cần hướng tới chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ Đoàn, nhất là cán bộ Đoàn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Về lâu dài, cần có chính sách hợp lý để thu hút tài năng trẻ, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, bảo đảm chủ động được nguồn cũng như đội ngũ cán bộ cốt cán của các cấp bộ Đoàn. Có như vậy mới khẳng định được vai trò, vị thế của Đoàn, tạo nguồn lực, sức mạnh to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.