Rằng hay…
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:17, 18/12/2011
Có thể nói đây là những bài toán hết sức nan giải, thậm chí "bất khả thi" không chỉ vì những thách thức, bất ổn trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước; mà trước hết là do mâu thuẫn giữa lợi ích riêng của một số ngành kinh tế chủ đạo (tăng giá) và lợi ích chung của cả đất nước, của toàn xã hội (bình ổn giá).
Tăng trưởng ở mức hợp lý, ưu tiên kiềm chế lạm phát sao cho những thành quả phát triển kinh tế được bền vững góp phần thực sự cải thiện đời sống của nhân dân, Chính phủ cần một thị trường giá cả ổn định lâu dài. Thế nhưng để hoàn thành kế hoạch, bớt thua lỗ, nhiều tập đoàn kinh tế quản lý các mặt hàng thiết yếu (điện, xăng dầu, hàng không…) thường xuyên đề nghị tăng giá và nói chung được đáp ứng. Những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tăng giá kéo theo toàn bộ mặt bằng giá cả tăng thường xuyên làm đảo lộn thị trường, gây tâm lý bất an trong người tiêu dùng và giảm mức sống người dân; đồng thời giảm hiệu quả của nhiều thành tựu phát triển mà nhân dân đáng được hưởng.
Nhưng đó chắc không phải là vấn đề làm cho các "đại gia" lo lắng. Mối quan tâm của họ là doanh thu, thu nhập cục bộ!
Dư luận xã hội chưa kịp lắng đi sau đợt sóng tăng giá mạnh vừa qua thì ngay trước Tết, giá một số hàng hóa, dịch vụ lại tăng hoặc đang được đề nghị tăng. Giá vé máy bay tăng 20% (Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Hà Nội: 8,4 triệu); sữa (lại tăng) 19%; điện dự tính tăng tới 15,28%; than, khí đốt cũng dự kiến tăng… Trong khi đó giá lúa từ 7.400đ xuống 5.800đ… Dựa vào đó các thứ hàng hóa khác cũng sẽ tăng nên có thể đa số dân chúng đón Tết chỉ còn biết dựa vào những mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước quản lý. Nhưng lượng hàng, địa điểm bán hàng bình ổn liệu có đủ phục vụ cho những người cần, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi?
Có một câu hỏi: Lợi nhuận các tập đoàn thu được do tăng giá và nộp ngân sách có đủ bù những chi phí ngân sách bỏ ra để bình ổn giá, trợ giúp những hộ nghèo, những đối tượng chính sách… bị ảnh hưởng nặng nề do giá tăng?
Giá vé và dịch vụ hàng không tăng sẽ giảm đáng kể lượng khách du lịch trong nước và gián tiếp khuyến khích du lịch ngoài nước. Ngoại tệ sẽ chảy ra ngoài; lượng hàng ta sản xuất có thể bán được ở các khu du lịch sẽ giảm và hàng ngoại sẽ vào nước ta nhiều hơn theo các đoàn du lịch của ta. Thua thiệt, vật chất và tinh thần, do nhiều ngành tăng giá vì lợi ích cục bộ mà không tính đến chiến lược phát triển và ổn định toàn cục của Chính phủ; đến lợi ích của toàn xã hội, không chỉ dừng lại ở đó.
Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp trong buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 17-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Khác với các nước khác, ở Việt Nam phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển... Để hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cần sự đồng tâm nhất trí, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và dân, trong đó cần có đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân không thể phát triển nếu tách rời người lao động, do vậy cùng với xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cần hết sức quan tâm chăm lo người lao động.
Rõ ràng đội ngũ doanh nhân không thể phát triển nếu tách rời người lao động và lợi ích đất nước, doanh nghiệp không thể phát triển cục bộ biệt lập theo dạng lợi ích nhóm, đẩy thiệt hại cho người dân và toàn xã hội gánh chịu. Nếu phát triển như vậy thì:
Rằng hay thì cũng là hay
Hay mình mà để đắng caycho người…