Dấu ấn trước Giáng sinh

Thế giới - Ngày đăng : 08:14, 17/12/2011

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 14 và 15-12 đã đạt được một số kết quả khả quan.


Tổng thống Nga D. Medvedev (giữa) tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU ở Brussels (Bỉ).

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau Hội nghị với Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định, hai bên đã đạt được thỏa thuận về bãi bỏ chế độ thị thực ngắn hạn cũng như việc Nga trở thành thành viên mới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Tuy nhiên, sự kiện đáng chú ý nhất là Mátxcơva tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tài chính, qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để giúp Châu Âu hóa giải cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng trong khối. Mặc dù Tổng thống D. Medvedev không cho biết cụ thể khoản trợ giúp Châu Âu của Nga thông qua IMF, nhưng theo tuyên bố trước đó của một cố vấn Tổng thống Nga, con số này có thể lên tới 20 tỷ USD, trong đó, 10 tỷ USD sẽ được giải ngân trong vài tuần tới.

Động thái này của Điện Kremlin khiến dư luận quốc tế không khỏi ngỡ ngàng vì trước đó, nhiều ý kiến đã dự đoán Hội nghị lần này sẽ bị phủ bóng mây xám bởi những cuộc "đấu khẩu" giữa Mátxcơva với phương Tây xung quanh kết quả bầu cử Duma quốc gia Nga (Hạ viện Nga) từ hôm 4-12. Ngay trước thềm Hội nghị chỉ một ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky ra tuyên bố phản đối Nghị viện Châu Âu (EP) vượt quá thẩm quyền khi cho rằng cuộc bầu cử Duma quốc gia tại Nga diễn ra không trung thực. Tương tự thái độ của Mỹ, EP đã bày tỏ sự ủng hộ những người biểu tình phản đối kết quả bầu cử và kêu gọi chính quyền Nga tuân thủ cái gọi là "tự do ngôn luận và hội họp". Tuy nhiên, cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VSIOM) công bố ngày 16-12 lại cho kết quả ngược lại. 61% số người Nga được hỏi bày tỏ ủng hộ hoạt động của cặp lãnh đạo D. Medvedev và V. Putin trên cương vị Tổng thống và Thủ tướng.

Giới quan sát nhận định, phản ứng có phần "cay cú" của phương Tây xuất phát từ kế hoạch quay trở lại Điện Kremlin của Thủ tướng Vladimir Putin - một nhà lãnh đạo theo đường lối ngoại giao cứng rắn. Thái độ thiếu thiện chí của phía Mỹ và EU trong những ngày qua là một kiểu tín hiệu khởi động chiến dịch của các lực lượng thân phương Tây ở nước Nga. Nhận định này không phải không có cơ sở vì hiện tại ở Nga, hàng chục tổ chức xã hội đang "ăn lương" của Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ của Mỹ - đã từng tài trợ và đứng đằng sau các cuộc "cách mạng sắc màu" ở Georgia, Ukraine, Kyrgyzstan cũng như các cuộc bạo động chính trị - xã hội ở Bắc Phi và Trung Đông với tên gọi "mùa xuân Arab". Do đó, len lỏi trong số những người tham gia các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Duma quốc gia Nga, không thể không có những lực lượng theo đuổi tham vọng đem "mùa xuân Arab" tới "gõ cửa nước Nga" như Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cảnh báo.

Tuy nhiên, xét cho cùng, bất luận ai sẽ là ông chủ Điện Kremlin, Nga và EU vẫn không thể coi nhẹ mối quan hệ hợp tác đã được hai bên nâng lên tầm chiến lược. Vì hiện tại, EU đang là đối tác thương mại chính, là nguồn đầu tư nước ngoài cơ bản của nền kinh tế Nga. Ngược lại, Nga cũng là một trong ba bạn hàng lớn nhất của EU, sau Mỹ và Trung Quốc; đồng thời là nhà cung cấp năng lượng chính cho Châu Âu. Do vậy, dù không gặp nhiều sóng gió như các nước đang nằm trong tâm bão của cuộc khủng hoảng nợ ở cựu lục địa, song những bất ổn tài chính của EU cũng sẽ gây ảnh hưởng tới Nga. Và, nếu mất sự hợp tác của Nga, EU cũng sẽ hứng chịu những thiệt hại không nhỏ, nhất là trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Như vậy, xem ra "cái bắt tay" của Tổng thống D. Medvedev với các nhà lãnh đạo EU tại Brussels trong mùa Giáng sinh này là một dấu ấn đẹp cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống Nga mà ông bắt đầu đảm nhận từ ngày 7-5-2008.

Quỳnh Chi