Nhiều năm, hàng loạt dự án “treo”... lơ lửng
Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 17/12/2011
Vì thế, cái đói, cái nghèo vẫn đeo đuổi người dân nơi đây.
7 năm đồi trống, núi trọc
Cán bộ xã Đông Xuân Nguyễn Văn Thiết đưa chúng tôi lên đỉnh đồi Sò, bỏ lại phía sau những con dốc đất đá lởm chởm. Đứng trên đồi cao ngắm nhìn mà xót xa cho con người và đồng đất nơi đây. Làng mạc xơ xác, đồi núi thì trống trọc, cái nghèo, cái khó hiển hiện trước mắt. Men theo con đường mòn qua đỉnh đồi Sò, những vết tích đào bới, thăm dò để khai thác đá còn vẹn nguyên. Ông Thiết kể: "Trước đây quả đồi này cây cối tốt tươi, từ khi giao đất cho doanh nghiệp tận thu, rồi mở rộng khai thác đá, cộng với việc quản lý kém hiệu quả, đồi Sò mất đi cảnh quan thiên nhiên vốn có". Theo ông Thiết, dẫu 76ha đồi Sò có bị cày xới, cảnh quan không còn, nhưng vẫn còn vớt vát được ít nhiều từ hoạt động khai thác đá của doanh nghiệp. Còn Dự án trồng rừng nguyên liệu bằng cây Jatropha lấy hạt ép dầu diezel sinh học tại khu đồi Chóc, thôn đồng Bèn với diện tích 33ha được bàn giao từ nhiều năm, nhưng nay vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc, trong khi đó dân không có đất sản xuất nên rất bức xúc.
Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án KĐT Tiến Xuân đã công bố hơn 3 năm, nay vẫn chưa triển khai. Ảnh: Thu Hằng
Dự án trồng rừng nguyên liệu bằng cây Jatropha lấy hạt ép dầu diezel sinh học tại khu đồi Chóc do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Đồng lập dự án và đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận tại Quyết định số 1309/QĐ-UB ngày 9-9-2002 giao cho Công ty TNHH Bình Minh thuê đất 50 năm để trồng rừng nguyên liệu, phòng hộ và khai thác du lịch sinh thái. Công ty TNHH Bình Minh đã nộp tiền cho cả thời gian thuê đất và đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định số 593/QĐ-UB ngày 22-3-2004. Nhưng có điều rất lạ khi PV Hànộimới đến tìm hiểu về dự án này, lãnh đạo xã Đông Xuân khẳng định đã nhiều lần liên lạc nhưng không thể tiếp cận với Công ty TNHH Bình Minh.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 9-6-2011, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Quốc Oai, xã Đông Xuân và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Đồng tiến hành kiểm tra hiện trạng khu đất tại đồi Chóc. Kết quả, Công ty TNHH Bình Minh chưa thực hiện trồng rừng phòng hộ và khai thác du lịch sinh thái theo quyết định. Tại cuộc họp, các ngành đã thống nhất đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo với UBND TP giao UBND huyện Quốc Oai phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Công ty TNHH Bình Minh để kiểm tra và lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi đất chưa sử dụng theo quy định của pháp luật.
Ngày 17-10-2011, trong Công văn số 8857/UBND-Hà Nội gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quốc Oai và Công ty TNHH Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xem xét, kiểm tra, lập hồ sơ thu hồi đất cho Công ty TNHH Bình Minh thuê. Đây được xem là động thái tích cực nhằm làm dịu nỗi bức xúc của chính quyền và người dân xã Đông Xuân.
Vẫn chưa hết "nóng"
Ngoài dự án trồng rừng nguyên liệu bằng cây Jatropha lấy hạt ép dầu diezel sinh học tại khu đồi Chóc, Dự án khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH một thành viên SUDICO Tiến Xuân (gọi tắt là Công ty SUDICO) làm chủ đầu tư cũng đang treo lơ lửng trên đầu người dân. Dự án này có quyết định thu hồi đất từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn "nằm trên giấy".
Qua điều tra của phóng viên Hànộimới, ngày 29-2-2008, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 415/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị Tiến Xuân. Cùng thời điểm đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 420/QĐ-UBND về việc thu hồi và giao trên 1.210ha đất các loại của xã Đông Xuân và Tiến Xuân cho Công ty SUDICO xây dựng Khu đô thị Tiến Xuân, riêng xã Đông Xuân là 910ha (tổng diện tích đất tự nhiên của xã Đông Xuân khoảng 1.700ha). Đến ngày 30-7-2008, UBND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 1363/QĐ-UBND thu hồi đất đợt I trên 400ha đất các loại của 968 hộ gia đình, cá nhân thuộc 7 xóm: Đồng Chằm, Đồng Rằng, Lập Thành, Đá Thâm, Đồng Bèn, Đồng Bồ, Đồng Âm và một phần diện tích do UBND xã Đông Xuân quản lý để giao đất cho Công ty SUDICO xây dựng khu đô thị Tiến Xuân. Vậy là đã hơn 3 năm kể từ khi UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định thu hồi đất của xã Đông Xuân giao cho Công ty SUDICO xây dựng khu đô thị, đến nay Công ty SUDICO chưa triển khai công tác kiểm đếm, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã để xây dựng dự án. Sự chậm trễ này đã khiến cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) cho 968 hộ dân xã Đông Xuân phải dừng lại, mọi giao dịch về đất đai trên địa bàn bị "đóng băng". Đáng nói, dự án chậm triển khai đã vô tình kéo lùi sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương khiến đời sống người nông dân đã nghèo lại thêm vất vả. Ông Bùi Hiền Lương, trưởng thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân bức xúc: "Chúng tôi buộc phải chấp hành chủ trương của cấp trên, nhưng doanh nghiệp đầu tư thuê đất lại thiếu trách nhiệm với người dân". Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Nguyễn Xuân Hòa cho rằng, Dự án xây dựng khu đô thị Tiến Xuân chậm triển khai đã và đang làm cho cuộc sống của người dân trong xã bị đảo lộn. Nhiều hộ chán nản, không muốn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhà cửa. Bởi, hầu hết diện tích đất canh tác và đất ở của các hộ dân đều nằm trong dự án và đã có quyết định thu hồi, nếu đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà ở, sau này dự án thu hồi đất thì ai sẽ đền bù?
Để giải quyết những bức xúc của người dân, đề nghị UBND thành phố sớm xem xét về tính khả thi và hiệu quả của các dự án đầu tư trên địa bàn xã Đông Xuân. Đây cũng là kiến nghị của người dân xã Đông Xuân đang mong mỏi có câu trả lời để họ yên tâm phát triển sản xuất trên chính mảnh đất của mình.