Cháy nhà ra...
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 17/12/2011
Rất may không có thiệt hại về người; Ngày 11-12, tại một cửa hàng gas ở Từ Liêm, ngọn lửa oan nghiệt bùng lên lúc sáng sớm đã khiến 2 người chết, 3 người bị thương nặng; có lẽ người dân Hà Nội sẽ phải còn lâu nữa mới quên được vụ nổ khí gas làm sập một ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của hai đứa trẻ một cách oan uổng, đau xót, xảy ra hôm 3-11...
Các cụ xưa có câu: Thủy, hỏa, đạo, tặc, vậy là "nhất thủy, nhì hỏa", các vụ hỏa hoạn vẫn thường dễ gây tâm lý hoang mang trong dư luận bởi sự thương tâm và mức độ thiệt hại. Hết cháy chung cư, cháy xưởng gas, nhà máy, cháy trong gia đình, lại đến cháy xe máy bất thường... Việc phòng cháy, chữa cháy đã được nói đến rất nhiều, được cảnh tỉnh nhiều, nhưng dường như sức tác động của nó đối với cộng đồng lại còn quá ít. Ở các vùng nông thôn, vùng xa ít thông tin, chưa nhiều kiến thức phòng chống đã đành, đằng này ở ngay tại Hà Nội mà kiến thức và cả ý thức phòng cháy của rất nhiều người cũng rất lơ mơ. Ngay cả việc trang bị phòng cháy, chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng hiện đại cũng còn nhiều lỗ hổng. Vụ cháy ở tòa nhà của EVN xảy ra vào chiều tối 15-12, đã tiếp tục nâng mức độ cảnh báo về lỗ hổng này.
Với người Hà Nội, tòa nhà Keangnam không chỉ ấn tượng bởi là tòa tháp cao nhất, mà còn ghi dấu ấn bởi những vụ hỏa hoạn xảy ra ở đây ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng. Tuy nhiên, chính những khiếm khuyết về phòng cháy chữa cháy từng được kết luận và cảnh báo ở Keangnam lại vẫn tiếp tục lặp lại ở những vụ cháy tại nhà cao tầng khác. Vụ tòa nhà EVN là ví dụ, thông tin ban đầu xác nhận nguyên nhân ngọn lửa bắt đầu từ việc công nhân hàn làm rơi tàn lửa vào các thiết bị bảo ôn dễ cháy, điều tương tự từng xảy ra ở Keangnam. Đã vậy, khi có cháy rồi, thì nhiều thiết bị phòng cháy được cho là hiện đại bậc nhất, bậc nhì lại không phát huy được hiệu quả, nên cháy vẫn cháy. Cháy ở tầng hầm, nhưng khói cuốn nghi ngút lên tận đỉnh tầng 33, thử hỏi làm sao không hoang mang. Chưa sử dụng đã vậy, chứ giả thiết tòa nhà đã hoạt động với hàng ngàn con người ở trong thì hậu quả sẽ ra sao.
Thông thường, sau mỗi vụ cháy, dư luận lại có xu hướng kêu ca về phương tiện cứu hỏa, cứu hộ của ta còn lạc hậu, yếu kém. Điều đó có cơ sở. Tuy nhiên, nguyên nhân phát hỏa thì có nhiều, hiện trường cũng muôn hình vạn trạng, do đó nếu các tòa nhà bắt buộc phải có hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ đúng kỹ thuật thì thực tế sẽ khác. Chẳng hạn chiều cao từ 100m trở lên phải xây dựng các tầng lánh nạn, ngăn cháy, bãi đỗ trực thăng, các yêu cầu về thoát nạn, cứu hộ, bãi đỗ tiếp cận công trình dành cho xe thang chữa cháy có tải trọng lớn… thì bản thân nó có thể chữa cháy ngay từ đầu, kéo dài thời gian có đủ điều kiện thoát nạn. Ngoài ra, nếu người dân được trang bị kiến thức tốt, các tòa nhà có các đội chữa cháy tại chỗ, thường xuyên được huấn luyện cũng sẽ giúp giảm thiểu hậu quả đáng tiếc.
"Nước xa không cứu được lửa gần" - trước khi trông chờ vào lực lượng cứu hỏa, xin hãy biết chủ động phòng hỏa, nhất là khu đông dân cư, các nhà cao tầng...