Vẫn còn khoảng cách với cuộc sống

Chính trị - Ngày đăng : 06:45, 17/12/2011

(HNM) - Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2007, sau gần 5 năm triển khai, Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã đáp ứng nhu cầu TGPL tại chỗ của người nghèo và đối tượng chính sách.


Tư vấn và trợ giúp pháp lý là việc làm cần thiết giúp người dân nâng cao hiểu biết để thực hiện pháp luật.    Ảnh: Thái Hiền

Phần nổi của tảng băng chìm
Từ năm 2007 đến nay đã có trên 500.000 lượt người được TGPL và trên 4 triệu lượt người được hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật, đó là những số liệu được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật TGPL vừa được Bộ Tư pháp tổ chức. Hệ thống TGPL đã hình thành trong cả nước, từ tỉnh, thành tới cấp xã (63 trung tâm, 161 chi nhánh; 6.462 câu lạc bộ cấp xã). Tính đến hết tháng 6-2011, cả nước đã thực hiện được 489.082 vụ việc cho 497.617 đối tượng (trung bình mỗi năm thực hiện hơn 97.800 vụ việc với hơn 99.500 đối tượng). Trong đó, người nghèo chiếm 28,2%, người dân tộc thiểu số chiếm 25,97%, người có công với cách mạng chiếm 13,95%... Nội dung các vụ việc được trợ giúp chủ yếu liên quan đến đất đai, dân sự.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, phần lớn các vụ việc được thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật (chiếm 93,28%). Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan TGPL mới đáp ứng được phần nổi nhu cầu của người dân, còn việc tham gia sâu vào các vụ án vẫn còn hạn chế. Hình thức tham gia tố tụng mới chỉ chiếm 5,18% so với tỷ lệ đã thụ án.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Luật TGPL được thi hành đã có những bước phát triển mới, mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL ngày càng được kiện toàn theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, bám sát người dân, đáp ứng nhu cầu TGPL tại chỗ của người nghèo và đối tượng chính sách. Nhiều đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách được TGPL đã có thêm hiểu biết về pháp luật, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Luật TGPL cũng giúp khắc phục được tình trạng thiếu luật sư trong các vụ việc tranh tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật. Song đại diện Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn thừa nhận, do Luật TGPL còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên việc tổ chức, quán triệt và nhận thức ở một số địa phương còn hạn chế dẫn đến luật chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Cần nâng cao hiệu quả và chất lượng TGPL

Dù Luật TGPL đã được triển khai thực hiện được 5 năm song với không ít cấp ủy, chính quyền, đây vẫn là một lĩnh vực mới mẻ. Vì vậy, việc tổ chức quán triệt thực hiện và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành ở nhiều nơi còn chưa đầy đủ và thiếu toàn diện. Cũng từ hạn chế về nhận thức, nên tại nhiều địa phương chưa quan tâm, bố trí bộ máy và kiện toàn nguồn nhân lực cho các trung tâm, chi nhánh TGPL dẫn đến tình trạng có lúc "cung" không đủ "cầu".

Theo bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục TGPL, Luật TGPL đã tạo cơ sở thuận lợi để thực hiện xã hội hóa công tác này nhưng trên thực tế, sự tham gia thực hiện TGPL của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật của các đoàn thể, tổ chức xã hội vẫn còn hạn chế. Mặt khác, thời gian qua, hầu hết các hoạt động TGPL mới dừng lại ở đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng mà chưa tiếp cận được các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa.

Bên cạnh đó, đối tượng được hưởng TGPL miễn phí còn hạn chế nên nhiều người có hoàn cảnh khó khăn không tiếp cận được. Chẳng hạn Luật TGPL có quy định 7 đối tượng được TGPL miễn phí, song nhiều cựu chiến binh có nhu cầu trợ giúp lại không được đáp ứng bởi chưa thuộc 1 trong 7 đối tượng được TGPL miễn phí theo luật nên các trung tâm TGPL nhà nước không tiếp nhận.

Để hoạt động TGPL đi vào cuộc sống, gắn với từng đối tượng được hưởng TGPL, giúp người dân bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, theo bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp thời gian tới sẽ tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp với công tác này. Đặc biệt là cơ chế giám sát, phản biện xã hội để hoạt động TGPL phát huy hiệu quả, thực sự là địa chỉ tin cậy hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng pháp luật. Việc tăng cường kinh phí cho hoạt động của các trung tâm TGPL cũng được đặt ra để thu hút nhiều hơn nữa những luật sư, luật gia, cán bộ đã nghỉ hưu có kinh nghiệm, hiểu biết về pháp luật tham gia TGPL cho người dân. Đồng thời, chú trọng hướng về cơ sở, tiếp cận nhiều hơn nữa đến các xã nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt thông qua hoạt động TGPL lưu động tại cơ sở.

Năm 2010, Trung tâm TGPL của Hà Nội đã tổ chức được 96 đợt TGPL lưu động và tư vấn tại trụ sở cho gần 3.000 người. Thực hiện được hơn 3 nghìn vụ việc trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai nhà ở, hôn nhân gia đình, chế độ chính sách, khiếu nại hành chính...
Năm 2011, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý và mời luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi miễn phí cho 85 đối tượng trong 70 vụ án. Thành lập 4 chi nhánh TGPL trên địa bàn thành phố.

Đà Đông