Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 05:59, 17/12/2011
Tái cơ cấu nền kinh tế, giúp các DN phát triển bền vững là mục tiêu cấp thiết trong năm 2012 và giai đoạn tới. Ảnh: Bá Hoạt
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, năm 2012 là năm huy động nhiều nguồn lực để khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ nêu rõ, đã đến lúc thực hiện việc huy động hợp lý tổng mức đầu tư xã hội, đặt trong mối quan hệ với các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, cần giảm tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội, vốn nhà nước chỉ nên tập trung cho xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Đồng thời, cần dẫn hướng và khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế, đề cao vốn tư nhân trong nước thông qua hình thức hợp tác công - tư, triệt để phát huy chính sách xã hội hóa đầu tư. Đã đến lúc sẵn sàng chấp nhận việc DN tư nhân có năng lực tham gia đến đâu thì DNNN có thể rút dần đến đó. Ông cho rằng, về ngắn hạn, cần khắc phục ngay tình trạng dàn trải, phân tán trong đầu tư công, kiên quyết đình hoãn, hủy bỏ những dự án không phù hợp, không đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc quyết định đầu tư cần được cân nhắc trên cơ sở hài hòa và đáp ứng đúng, đủ nhu cầu trên diện rộng để tránh trùng lắp, gây lãng phí, thậm chí triệt tiêu nhau giữa các dự án, địa phương.
Theo các chuyên gia, cần tránh hiện tượng cát cứ trong đầu tư công. Năm 2012, số dự án/công trình bị đình hoãn sẽ rất nhiều và chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống xã hội tại một số địa phương và những đơn vị có liên quan, nhưng đây là giải pháp buộc phải chấp nhận nhằm giảm thiểu tốc độ lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, ưu tiên dành vốn cho dự án có khả năng hoàn thành sớm, cấp thiết hoặc có sức lan tỏa lớn về KT-XH của đất nước, vùng miền.
Về trung và dài hạn, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng được kế hoạch đầu tư dài hơi, ít nhất từ 3-5 năm để chủ động huy động và bố trí vốn, tránh bất cập giữa việc đề nghị đầu tư và khả năng huy động vốn.
Về tái cơ cấu DNNN, Bộ trưởng Vương Đình Huệ xác nhận, đây là việc rất khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích, DN và toàn xã hội nên đòi hỏi nhiều công sức, vật chất. Theo tính toán sơ bộ, quá trình tái cơ cấu DN cần ít nhất khoảng 55 nghìn tỷ đồng để giải quyết một số vấn đề về lao động, chính sách, xử lý tồn tại của DN, thậm chí nếu cần còn phải bổ sung vốn cho DN. Dựa trên cơ sở nội dung kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sức cạnh tranh của từng DN sao cho tương xứng với nguồn lực được giao. Mặt khác, phải lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính; tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty làm tốt vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô, bảo đảm cung cấp dịch vụ công. Đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc thành phần khác; từng bước xây dựng một số DN quy mô lớn, có tầm vóc khu vực và đa sở hữu, hướng tới tầm quốc tế. Một số việc "cần làm ngay" là phân loại từng nhóm DN như DNNN vẫn nắm 100% vốn, DNNN nắm trên 75% vốn, DNNN nắm từ 65-75% vốn hoặc nhóm DNNN không nắm cổ phần chi phối. Tiếp theo là đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) DNNN theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại DN kết hợp với việc thu hút mạnh mẽ dòng vốn tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc xác nhận, đến nay CPH vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong sắp xếp DN và có 87% số đơn vị được hỏi cho rằng tái cơ cấu DN cần thông qua CPH, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện kiểm toán độc lập.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện các quy định, thể chế liên quan đến quản lý DNNN, thắt chặt mối liên kết giữa các DN thành viên trong tập đoàn và tổng công ty; đầu tư thỏa đáng cho công tác đào tạo để nâng cao năng lực quản trị DN. Mỗi DN được khuyến cáo nên chuyển dần sang mô hình phát triển theo chiều sâu, huy động nguồn lực đầu tư cho công nghệ mới nhằm tăng sức cạnh tranh để tồn tại, phát triển. Mỗi đơn vị cần tự hiểu thế mạnh, điểm yếu của mình và tìm cách tái cơ cấu phù hợp với mẫu số chung là làm sao đạt được tiêu chí: năng suất - chất lượng - hiệu quả...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, ngành đang khẩn trương rà soát, đánh giá "sức khỏe" các ngân hàng để sắp xếp lại trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, tránh đổ vỡ theo lối "đánh chuột không để vỡ bình". Năm 2012, ngành tập trung vào những ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, quy mô nhỏ chủ yếu bằng biện pháp bóc tách các khoản nợ, xử lý nợ xấu cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện sáp nhập, nâng cấp.