Phúc Thọ: “Khát” lấp đầy hệ thống đường giao thông

Kinh tế - Ngày đăng : 10:43, 16/12/2011

(HNMO) - Hệ thống đường giao thông của huyện Phúc Thọ hiện chưa đồng bộ, còn thiếu, nhỏ hẹp và đã xuống cấp.

Đánh giá và xác định các giải pháp nóng, giải quyết các vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng các sở, ngành vừa có buổi làm việc với huyện Phúc Thọ về các dự án giao thông, hạ tầng đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Thông báo về tình hình của huyện, ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện cho biết: hiện nay của huyện đã lập và cơ bản hoàn thành quy hoạch chung nông thôn mới tại 21 xã; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, quy hoạch sử dụng đất. Đối với quy hoạch đô thị sinh thái Phúc Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.

Năm 2011, huyện đang triển khai 9 dự án giao thông trọng điểm, trong đó thực hiện đầu tư 4 dự án và chuẩn bị đầu tư 5 dự án với tổng vốn đầu tư 1000 tỷ đồng. Đồng thời, huyện cũng đã triển khai thực hiện một số dự án giao thông nông thôn bức xúc phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, trên địa bàn huyện có 2 dự án giao thông thực hiện theo hình thức BT, trong đó 1 dự án đường trục phát triển huyện Phúc Thọ đang điều chỉnh quy mô dự án; 1 dự án đường trục phát triển kinh tế-xã hội Bắc-Nam đang triển khai đầu tư và dự án hoàn vốn là các khu đô thị dọc theo tuyến đường, đoạn qua huyện dài 6,4km, do thuộc diện rà soát lại dẫn đến tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường tại các xã Vân Phúc, Long Xuyên, Xuân Phú và Phụng Thượng.



Một đoạn đường trên quốc lộ 32. Ảnh VNE.

Hơn nữa, báo cáo về vấn đề xây dựng nghĩa trang nhân dân và các điểm tập kết rác, ông Hồng cho biết: Hiện tại hạ tầng nghĩa trang trên địa bàn huyện chưa có, dẫn đến người dân mai tang trên ruộng, đất nông nghiệp; nguyên nhân cũng là do chờ quy hoạch, mở rộng diện tích. Trên cơ sở đó, huyện cũng đã giao phòng chuyên môn triển khai thực hiện đầu tư 5 dự án và tiếp tục đầu tư các nghĩa trang còn lại nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Còn về điểm tập kết rác, năm 2011, huyện đã thực hiện đầu tư thực hiện xây dựng hoàn thành 32 điểm tập kết rác với tổng số vốn đầu tư 31.592 triệu nhằm góp phần thu gom rác thải và bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Ông Phú cũng cho biết, huyện đã đề ra trong 5 năm (giai đoạn 2011-2015), sẽ tập trung quy hoạch xây dựng két cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, trong đó, về công tác xây dựng cơ bản đầu tư các công trình hạ tầng khung, cụ thể: Hoàn thành các đồ án quy hoạch và thực hiện công tác quản lý đầu tư theo quy hoạch; Đầu tư tiếp tục chuẩn bị đầu tư các tuyến giao thông quan trọng (đường tỉnh lộ, đường liên huyện và đường liên xã) từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và 2 dự án đầu tư theo hình thức BT; Triển khai quyết liệt công tác GPMB và hoàn thành các dự án tái định cư (đường TL 418, đê Hữu Hồng, đường trục phát triển kinh tế-xã hội Bắc –Nam; đường trục phát triển Phúc Thọ); Hoàn thành và thực hiện quy hoạch và chuẩn bị đầu tư các dự án mở rộng, nâng cấp nghĩa trang nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; Hoàn thành đầu tư nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc các xã; nâng cấp hệ thống các trạm y tế và phòng khám đa khoa Ngọc Tảo.

Tuy nhiên, huyện còn có những khó khăn, vướng mắc, như: Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP chưa được phê duyệt nên việc thu hồi các dự án phải chờ đưa vào danh mục cấp bách; Các quốc lộ, tỉnh lộ trên đại bàn chưa được cấp chỉ giới đường đỏ, cắm mốc giới trên địa bàn nên khó khăn trong công tác quản lý đầu tư theo quy hoạch, chống lấn chiếm và xử lý lấn chiếm... Bên cạnh đó, để tạo nguồn vốn đầu tư, Phúc Thọ lại là huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chính, trong khi đó nhu cầu đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới rất lớn, nguồn thu ngân sách hạn chế, đấu giá đất gặp nhiều khó khăn do kinh tế lạm phát.

Thủ tục đầu tư các khu đất đấu giá trải qua rất nhiều khâu, triển khai rất chậm (đã thực hiện thỏa thuận địa điểm 3 khu tại xã Võng Xuyên, Thọ Lộc, Phụng Thượng trước ngày Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Thủ đô do đó huyện phải xin lại ý kiến thỏa thuận), kéo theo việc huy động nguồn vốn đầu tư là rất khó khăn. Về GPMB, thực tế huyện triển khai công tác GPMB đối với các dự án thu hồi diện tích lớn, đất thổ cư thường gặp nhiều khó khăn và thời gian triển khai kéo dài do quá trình triển khai phát sinh các vướng mắc phải điều chỉnh phương án hoặc do chính sách thau đổi hoặc chưa phù hợp với thực tế…

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi kết luận: Về quy hoạch, huyện cần phải chủ động đẩy nhanh tiến độ, không nhất thiết phải chờ đơn vị tư vấn. Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng phải tích cực hỗ trợ huyện, thực hiện việc cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian. Với công tác đầu tư xây dựng các trục đường giao thông, đây là việc làm rất cần thiết, chính vì vậy, ở mọt số tuyến đường do Sở Giao thông Vận tải đang triển khai cần đẩy nhanh tuyến độ. Còn đối với một số đường tuyến đường khác của huyện, Sở Quy hoạch Kiến trúc hỗ trợ huyện trong công tác quy hoạch, GPMB.

Về lĩnh vực giao thông công cộng và chiếu sáng, Phó Chủ tịch đồng ý việc thống nhất kéo dài tuyến xe buýt từ Cầu Giấy đến Võng Xuyên, Cẩm Bình. Về chiếu sáng, Phó Chủ tịch giao Sở Xây dựng kiểm tra sát xao lại tình hình của huyện. Riêng đối với một số khu đấu giá quyền sử dụng đất của huyện còn vướng mắc, Sở Quy hoạch Kiến trúc xem xét, đến ngày 30/12/2011 phải có ý kiến trả lời lại huyện. Ngoài ra, đối với dự án đường trục phát triển huyện Phúc Thọ, huyện vẫn tiếp tục triển khai bình thường, khắc phục các vướng mắc…

Hơn nữa, về công tác bố trí vốn đầu tư cho huyện Phúc Thọ trong năm 2012, Phó Chủ tịch lưu ý, Sở Kế hoạch Đầu tư tổng hợp các danh mục các dự án cần đầu tư để bố trí vốn.

L.H