Nhập nhèm nguồn gốc?

Xã hội - Ngày đăng : 07:33, 16/12/2011

(HNM) - Từ 5 năm nay, cái tên Vân Nội (Đông Anh) đã gắn liền với thương hiệu

9h30 sáng 8-12, chúng tôi vừa có mặt tại cổng chợ rau Vân Nội (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) đã nhận được nhiều lời mời chào kiểu như: "Mua rau sạch về ăn hay nhập hàng đấy?".

Những cây rau cải này sẽ được làm đẹp trước khi đưa về "cửa hàng rau sạch".


10h sáng hằng ngày mới là giờ chính thức họp chợ. Lúc này, các xe kéo, xe thồ đầy ắp rau củ từ khắp nơi ùn ùn đổ về. Gọi là chợ rau Vân Nội nhưng đây thực ra là bãi đất trống nằm bên lề đường quốc lộ 23, có dựng mấy dãy cọc sắt với mái tôn siêu vẹo, nền đất lổn nhổn gạch đá và lõng bõng bùn lầy. Nhiều hộ dân chọn nơi ít bùn đất nhất, rải một tấm ni lông hoặc vải dứa trên nền đất, rồi bày rau lên. Tại một hàng nước, chúng tôi nhanh chóng làm quen với bà Toàn (xóm Bảo, thôn Vân Trì, xã Vân Nội). Sáng nào bà cũng đến đây từ trước 10h để chờ đón những mẻ rau mới nhất, chọn mua khoảng 20 loại rau, củ để chuyển cho con gái đang kinh doanh tại một cửa hàng rau sạch trên địa bàn huyện Thanh Trì. Nhiệt tình, bà Toàn dẫn chúng tôi đi giới thiệu với một số nông dân, vốn là mối cung cấp rau quen mà theo bà "là người Vân Nội, 100% rau an toàn theo đúng tiêu chuẩn. Nếu không biết mà mua rau của nơi khác mang về, không thể khẳng định được có an toàn hay không". Mỗi ngày cửa hàng của con gái bà Toàn bán được khoảng 40-50kg rau nên bà phải đi mua gom ở chợ thế này. Còn như người hàng xóm của bà là vợ chồng ông Thắng, bà Lĩnh, chuyên cung cấp rau cho các trường học, nhà hàng với khối lượng lớn thì thu gom trực tiếp tại ruộng của nông dân.

Trong vai người buôn rau sạch, chúng tôi theo bà Toàn đi từ hàng cải thảo sang mướp xanh, cải chíp, súp lơ, ngọn su su… Rau chọn xong được bà cẩn thận xếp vào những chiếc túi ni lông trắng. Nếu rau nào có lấm đất, bùn, bà vứt bỏ ngay lá bẩn trước khi xếp. Quả mướp, quả dưa chuột… có vết trầy xước là bà bỏ ra: "Mình bán rau sạch thì phải chọn rau đẹp mã, sạch mắt. Có thế khi xếp vào túi bóng mới thu hút khách hàng...".

Vậy nhưng những gánh rau "chính hiệu" Vân Nội góp mặt ở chợ không nhiều. Chúng tôi vẫn phải mua rau cải của bà Đông, xóm Thượng Phúc (xã Bắc Hồng), rau diếp của chị Vinh (xóm Chùa, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương). Hoặc ngọn su su là món ăn ưa thích của người Hà Nội, thường xuyên có mặt ở các sạp rau sạch nhưng lại không thể trồng ở Đông Anh. Bởi vậy, muốn nhập ngọn su su phải bắt mối với chị Huyền (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Chị Huyền cho biết, hằng ngày chị vẫn đến chợ Vân Nội để bỏ mối ngọn su su và tìm khách hàng mới, bổ sung danh sách hơn chục khách đặt hàng thường xuyên trong nội thành Hà Nội. Nếu chúng tôi có nhu cầu, chỉ cần "a lô" chị sẽ giao đến tận nơi, bảo đảm chất lượng và… không sợ bị ngộ độc. Theo chị Tuyên (thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương) nếu người sành mua nhìn thấy ngọn rau xanh mỡ, óng ả thì sẽ biết rau mới tưới đạm được khoảng 4-5 ngày đã thu hoạch. Rau muốn an toàn, phải tưới đạm trước ít nhất 7 ngày mới được hái, bảo đảm nhất là sau 10 ngày. Còn để phân biệt rau có thuốc trừ sâu không thì chỉ có người nông dân mới biết được.

Theo quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn (RAT) trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 104/2009/QĐ-UBND ngày 24-9-2009 của UBND TP Hà Nội), địa điểm sơ chế RAT phải  bảo đảm các điều kiện về VSATTP và không ảnh hưởng đến chất lượng rau. Tổ chức, cá nhân cung ứng RAT cho khách hàng hoặc bán buôn ở chợ đầu mối phải có giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất RAT hoặc hợp đồng mua rau với cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận, có hóa đơn nhập, xuất; sản phẩm RAT phải có bao bì, được niêm phong…

Khi chúng tôi băn khoăn về quy định của thành phố, chị Nga (thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương) khẳng định sẽ cung cấp cho chúng tôi giấy chứng nhận, hợp đồng cung ứng và hóa đơn của các cơ sở đủ "chuẩn" trên địa bàn xã Vân Nội, bởi hiện nay mới chỉ có Vân Nội tổ chức được vùng RAT với đầy đủ giấy tờ cần thiết theo quy định. Còn chị sẽ có trách nhiệm gom rau cho chúng tôi và "chịu trách nhiệm hoàn toàn về độ an toàn". Khách hàng chỉ việc đánh xe về nhận rau, trả hoa hồng cho đầu mối khoảng 100 đồng/củ su hào, 200 đồng/kg rau xanh. Thấy chúng tôi còn lơ ngơ với nghề kinh doanh rau sạch, chị Nga, chị Bến chỉ dẫn: Em phải chuẩn bị sẵn bao bì, túi ni lông in tên, địa chỉ theo thông tin trên giấy chứng nhận mà chị cung cấp. Sau khi vận chuyển rau về thì phân loại, chia nhỏ và đóng gói.

Chợ rau đầu mối Vân Nội gắn liền với thương hiệu "rau an toàn", nhưng xem ra cách thức quản lý nguồn gốc rau lẫn cơ sở hạ tầng nhếch nhác đang khiến người tiêu dùng tự hỏi: Liệu rau xuất ra từ đây có thực sự sạch và an toàn?

Bài, ảnh: Sơn Trà