Tăng giá vé máy bay: Du lịch lữ hành thêm khó

Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 16/12/2011

(HNM) - Từ ngày 15-12, Vietnam Airlines (VNA) chính thức tăng giá trần vé máy bay đối với các đường bay nội địa. Lần điều chỉnh thứ hai giá vé máy bay trong năm 2011 được xem như

Ồ ạt xuất ngoại?

Kỳ nghỉ dự kiến kéo dài 9 ngày vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sắp tới tạo cơ hội cho ngành du lịch tăng doanh thu ngay đầu năm mới 2012. Thế nhưng, việc vé máy bay nội địa tăng giá khiến giới lữ hành chưa kịp mừng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Các hãng lữ hành trong nước đang gặp khó khăn khi Vietnam Airlines tăng giá vé. Ảnh: Nhật Nam


Dù không mong muốn nhưng bước sang năm 2012, giá tour nội địa của các hãng lữ hành chắc chắn sẽ tăng. Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty Du lịch Vietravel lý giải, chi phí khách sạn, vận chuyển luôn chiếm một nửa giá thành của các tour. Vì vậy, giá vé máy bay tăng buộc các hãng lữ hành phải điều chỉnh lại giá tour, điều này đồng nghĩa với việc những điểm đến trong nước sẽ giảm sức hấp dẫn ngay với chính du khách Việt Nam. Thay vì lựa chọn các địa danh như Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… nhiều khách du lịch nội địa sẽ tìm đến tour Thái Lan, Singapore, Malaysia… vì mức giá không quá cao mà dịch vụ ở các nước này lại khá tốt.

Không phải đến thời điểm này mà từ lâu, du lịch trong nước đã bị lép vế trước các tour trong khu vực. Khảo sát bảng niêm yết giá tour tại một số hãng lữ hành trước khi giá vé máy bay có sự điều chỉnh từ ngày 15-12, dễ dàng nhận thấy tour đi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar từ 4 đến 6 ngày có giá từ 5 đến 14 triệu đồng, thấp hơn so với giá tour di chuyển bằng máy bay từ Hà Nội đi Nha Trang, Đà Lạt hoặc Phú Quốc. Nay, giá vé máy bay tăng càng khiến cho tour nội bị tour ngoại áp đảo. Cụ thể, ở lần tăng giá vé máy bay lần hai này của VNA, giá vé máy bay chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh từ 2.227.000 đồng tăng lên 2.560.000 đồng/vé/ một chiều. Làm một phép tính đơn giản cho thấy, vé máy bay hai chiều từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh đã bằng giá tour trọn gói đi du lịch Thái Lan trong 5 ngày 4 đêm.

Trước thực tế trên, nhiều hãng lữ hành tỏ ra lo lắng, trong khi sức hút của tour nội ngay tại chính thị trường trong nước giảm thì Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng của ngành du lịch các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan, trong 10 tháng năm 2011, du khách quốc tế đến Thái Lan đạt 15,8 triệu, trong đó có hơn 452.000 lượt khách đến từ Việt Nam (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2010). Điều đáng nói là số khách Việt Nam đến Thái Lan theo hình thức du lịch trọn gói có đến 68% là khách đi nhiều lần và 32% là khách đến lần đầu. Không chỉ tour sang Thái Lan, theo một số doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch Việt Nam sang Singapore cũng tăng mạnh.

Có cách nào giữ khách?

Đại diện nhiều hãng lữ hành dự báo, bước sang năm 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn với ngành "công nghiệp không khói" nước ta. Khi VNA thông báo tăng giá vé, các đối tác cung cấp dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi, danh lam, thắng cảnh… cũng rục rịch tăng giá. Từ lâu, du lịch nội đã bị "mất điểm" khi chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ yếu kém, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm ăn "chụp giật"… nay thêm việc tăng giá đủ thứ, tất yếu có cảnh du khách quay lưng.

Các hãng lữ hành đều có chung nhận định, mỗi lần giá tour được điều chỉnh theo chiều hướng tăng là lập tức xuất hiện sự sụt giảm về lượng khách. Khách quốc tế sẵn sàng chọn một điểm đến khác thay vì hành trình tới Việt Nam, còn khách trong nước sẽ hủy tour nếu phải trả thêm một khoản phí vượt quá dự kiến ban đầu. Việc điều chỉnh giá vé máy bay vào thời điểm này là vô cùng nhạy cảm, khiến du khách mất niềm tin vào thị trường du lịch của ta. Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh thì việc tăng giá phải được tiến hành bài bản, song hành với việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Minh Mẫn, để giữ chân khách hàng trong thời điểm khó khăn này, các công ty phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ lẫn tuyến điểm, thiết kế thêm những điểm du lịch hấp dẫn mới để thu hút du khách. Mặt khác, bản chất của ngành du lịch là tính liên ngành, liên vùng, vì vậy du lịch chỉ phát triển khi các ngành cùng hợp sức. Tuy nhiên, trên thực tế, việc hợp sức giữa lữ hành và hàng không khá lỏng lẻo với nhiều điều đáng bàn. Mong muốn lớn nhất của các hãng lữ hành là sự đồng hành của VNA và các hãng lữ hành khác để cùng nhau khai thác tốt thị trường trong nước và hướng ra thị trường nước ngoài.

Xuân Lộc