Lạm dụng quyền lực !
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:15, 16/12/2011
Câu chuyện này khiến nhiều người nhớ lại vụ việc cũng vừa xảy ra mới đây tại Hà Nội, một thanh niên khi bị xử phạt cũng mang cả danh phó thủ tướng ra dọa, hay vụ một quan chức CSGT ở Hậu Giang, nghe đâu cũng là con trai của một lãnh đạo công an tỉnh này, khi đi taxi đã ép người tài xế phải vượt đèn đỏ. Sau đó, đương sự còn tiếp tục gây rối tại trụ sở công an, thậm chí có hành vi làm nhục người thi hành công vụ.
Xin không bàn về hành vi đúng sai của các đương sự trong những câu chuyện nói trên. Trong các vụ việc, đối tượng liên quan có tư cách khác nhau, có người có quyền lực thực sự nhưng có kẻ chỉ “mượn oai hùm” hòng giải thoát mình, nhưng đều gây bức xúc trong dư luận. Hoàn cảnh diễn ra các sự việc thường xuất phát từ sự hống hách, ỷ thế, cậy quyền và lộng hành. Điểm chung là coi thường luật pháp. Những người này không tin rằng họ bị ràng buộc bởi các chuẩn mực pháp lý khi bên cạnh họ là những người nắm giữ quyền lực.
Nhiều người đặt vấn đề: Không có lửa làm sao có khói. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi công bộc đều có lỗi. Nhưng chắc chắn phải có ai đó đã từng hoặc đang "bật đèn xanh" cho sự ngông nghênh có cơ hội sinh sôi. Từ góc độ tâm lý, không khó giải thích khi đã là con người thì ai cũng có tình cảm thiên trọng, có thể từ sự thân thích, bạn bè hay quan hệ làm ăn. Dân gian vẫn quan niệm "bánh ít đi bánh quy lại". Xét ở một góc độ nào đó thì đây là sự đổi chác, đôi bên cùng có lợi. Thực tế sẽ không có tình trạng mãi lộ nếu tất cả các lỗi vi phạm đều được xử lý đúng pháp luật. Thực tế lại khác. Chính cái phương châm "đôi bên cùng có lợi" đã khiến cho người vi phạm sẵn sàng hối lộ người thực thi công vụ một khoản tiền nhỏ hơn số phải nộp phạt, để vừa đỡ tốn cả thời gian và tiền bạc.
Tiếc là ở ta hiện tượng người có chức, quyền coi thường luật pháp không hề cá biệt. Ngay thời điểm này, dư luận còn đang sốt xình xịch về vụ lật xe gỗ thương tâm ở Nghệ An. "Cháy nhà mới ra mặt chuột", đau đớn là chính các cán bộ kiểm lâm cũng có mặt trên chiếc xe chở gỗ lậu nói trên và họ khẳng định áp tải gỗ cho lãnh đạo của mình. Rõ ràng trong trường hợp này, quyền lực đã bị lợi dụng để làm chỗ dựa vô hiệu hóa quy tắc ứng xử thông thường, che chắn cho những thói hư tật xấu, đi ngược lại lợi ích xã hội. Cũng như vụ "mượn oai hùm" để xử lý xe vi phạm nói trên, tâm lý thiên vị cho người nhà, quan hệ thân quen đã lấn át, hay nói đúng hơn là đã tạo cơ hội cho sự xuất hiện bất bình đẳng trong xã hội. Chắc chắn sẽ không thể có cảnh người vi phạm gí điện thoại vào tai CSGT nếu không có sự can thiệp, nâng đỡ từ một người có quyền lực nào đó.
Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, chính Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng trăn trở và khẩn khoản với các đại biểu: Đề nghị lãnh đạo các cấp và cán bộ công chức nhà nước không can thiệp vào những vụ việc xử lý vi phạm pháp luật giao thông. Thật vậy, để tránh tệ lợi dụng quyền lực, cần thiết phải có một nền tảng, ngoài cơ cấu chuẩn mực và thực thi pháp luật nghiêm minh thì thái độ, ý thức ngăn chặn sự lạm quyền phải được xây dựng từ chính những công bộc của dân.