Cần giải pháp mạnh và toàn diện

Công nghệ - Ngày đăng : 07:13, 16/12/2011

(HNM) - Bộ Khoa học công nghệ (KHCN) đưa ra mục tiêu đạt mức chi tối thiểu 2,2% từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KHCN, xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Khoa học công nghệ cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước trong giai đoạn mới. Ảnh: Đình Na


Nhân lực hạn chế, đầu tư bất cập

Để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHCN đã xây dựng Đề án "Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN". Hôm qua, 15-12, Bộ KHCN đã tổ chức hội nghị bàn về đề án này. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đánh giá thực trạng KHCN hiện nay: Mặc dù còn có khoảng cách khá xa so với thế giới, nhưng trong một số lĩnh vực, hoạt động KHCN Việt Nam đã bắt kịp với các quốc gia tiên tiến. Nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước có dấu ấn mạnh mẽ từ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, những thành tựu của KHCN đạt được trong những năm qua chưa mang tính hệ thống đồng bộ và vững chắc, chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước trong giai đoạn mới. Cơ chế quản lý cũng như tổ chức hoạt động KHCN còn một số hạn chế, bất cập, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhìn vào thực tế, những vấn đề hạn chế đòi hỏi phải đổi mới toàn diện cơ chế quản lý KHCN thông qua một số nhóm giải pháp lớn, nổi bật là giải pháp cơ chế đầu tư tài chính, cơ chế quản lý nhân lực, cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN, phát triển thị trường công nghệ... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện suôn sẻ các giải pháp này, tạo động lực cho KHCN Việt Nam cất cánh không phải chuyện đơn giản. Chẳng hạn như với giải pháp về cơ chế tài chính, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tình trạng phân tán nguồn vốn ngân sách, các vấn đề về tạo nguồn, cơ cấu và phương thức phân bổ, điều tiết, sử dụng ngân sách dành cho KHCN còn bất cập. Đó là chưa kể việc ở nước ta chưa hình thành cơ chế phù hợp và chưa có chế tài đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho hoạt động KHCN. Công tác phân bổ ngân sách vẫn mang tính bao cấp, ít nhiều mang tính "mặt trận", chia theo tiền lệ chứ chưa thực sự căn cứ vào hiệu quả hoạt động, năng lực và nhu cầu thực tế.

Mặt khác, chính đội ngũ cán bộ quản lý, nhà khoa học lại đang bị tư duy bao cấp níu kéo, e ngại chuyển sang cơ chế tự chủ, dù tự chủ thì vẫn được Nhà nước hỗ trợ. "Chúng tôi có cảm giác các viện, các cơ quan KHCN vẫn muốn là tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách để được Nhà nước bao cấp", Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận xét.

Về giải pháp dựa vào nguồn nhân lực, đáng tiếc là hiện nay chưa có chính sách khả thi để hiện thực hóa tối đa mục tiêu trọng dụng và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ KHCN. Nhà khoa học nhận tiền lương thấp theo ngạch bậc như đối với các cơ quan hành chính, không tính đến năng lực nghiên cứu, hiệu quả công việc. Điều đáng bàn là, hầu như không có bất cứ loại phụ cấp nào đối với loại hình lao động chất xám. Hạn chế này có thể triệt tiêu động lực sáng tạo của các nhà khoa học cũng như sự toàn tâm gắn bó với khoa học. Điều bất cập khác là hiện nay, Việt Nam thiếu người làm nghiên cứu chuyên nghiệp trong các trường ĐH, trong khi, lẽ ra các trường ĐH phải là những trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh. Sự thể một phần do người có trình độ cao bị cuốn vào việc giảng dạy, phần khác do thiếu kinh phí nghiên cứu. Mỗi đề tài cấp trường chỉ cỡ vài ba chục triệu đồng, tổng kinh phí nghiên cứu của trường trong cả năm chỉ có 1-2 tỉ đồng.

Tuy thế, ngoài yếu tố khách quan, cũng cần phải lưu ý là đội ngũ nghiên cứu và ứng dụng KHCN không phải ai cũng có tinh thần chuyên nghiệp. Một số có biểu hiện tự mãn, thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt khả năng ngoại ngữ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.

Cần "cú hích" mạnh

"Đã đến lúc cần bổ sung biên chế nghiên cứu KH cho các trường ĐH" - kiến nghị này và đề xuất chuyển một số đơn vị nghiên cứu cơ bản về các trường ĐH để gắn kết nghiên cứu với đào tạo của Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học. Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN - MT của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang cho rằng, cần nghiêm túc điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho các trường ĐH. Nếu đầu tư đủ thì lực lượng hơn 2 triệu sinh viên và 74 nghìn giảng viên hiện nay sẽ là nguồn nhân lực đáng kể đóng góp ở các cấp độ khác nhau cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, ông Nguyễn Đăng Vang đề xuất, đưa việc quản lý, phân bổ nguồn vốn nhà nước đầu tư cho KHCN quy về một mối là Bộ KHCN. Có như vậy mới có thể tập trung đầu tư cho các chương trình trọng điểm. Cách đầu tư hiện nay dàn trải, vốn nhà nước đã ít (khoảng 500-600 triệu USD) nhưng phải phân về các bộ, rồi từ đó chia cho 63 tỉnh, thành, rồi lại chia tới hơn 1.000 viện nghiên cứu. "Như vậy thì không thể có cú hích mạnh được!", ông Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh.

Hoạt động KHCN trong tình hình mới đòi hỏi những giải pháp thúc đẩy quyết liệt. Đổi mới cơ bản, toàn diện thì cần chính sách phù hợp với các nhóm giải pháp, đặc biệt là về nguồn vốn và cách thức đầu tư. Nếu không, ngoảnh đi ngoảnh lại vẫn trở về với điểm xuất phát ban đầu, không thể tận dụng hiệu quả nguồn chất xám dồi dào ở Việt Nam được.

Ngay tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cần tạo nên sự đột phá toàn cục về KHCN trong giai đoạn 2011-2020; đề nghị ngành KH-CN nghiên cứu sâu hơn để có sự kết nối tốt giữa các đơn vị nghiên cứu và các trường ĐH, giữa các trường và các đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ... Mục tiêu là tạo nên sức mạnh hệ thống, chuyển tiếp từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng và tạo ra sản phẩm thương mại hóa. Phó Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ quyết tâm tạo mọi điều kiện để đưa KHCN trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.

Quỳnh Phạm