Cơ hội lớn đã mở ?
Xe++ - Ngày đăng : 07:09, 16/12/2011
Nhiều cơ hội phát triển
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch - ICDREC (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, trên thế giới, năm 2010, doanh thu từ lĩnh vực vi mạch, bán dẫn chiếm khoảng 35% tổng doanh thu toàn ngành điện tử (khoảng 350 tỷ USD) và dự báo tiếp tục tăng thêm 6,1% vào năm 2011. Tại Nhật Bản, thu nhập của thiết kế vi mạch đem lại 30-40% GDP. Hàn Quốc cũng có bước phát triển nhảy vọt nhờ đi sâu nghiên cứu, sản xuất chíp. Theo đó, cách nay khoảng 30-40 năm, Hàn Quốc xác định đây là lĩnh vực quan trọng để phát triển công nghiệp điện tử nên đầu tư rất lớn cho ngành này. Do đó, ngành bán dẫn Hàn Quốc từ chỗ chỉ chiếm 2,9% trong tổng GDP năm 1990 đã tăng lên 19,4% vào năm 2000. Năm 2011, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia số 1 về chíp nhớ trên thế giới với tổng giá trị tiêu thụ 25,4 tỉ USD, chiếm 43,1% thị phần toàn cầu.
Kỹ sư thiết kế vi mạch tại Khu CNC TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CESTC
Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vốn rất nhỏ bé và đa phần chỉ dừng lại ở công việc lắp ráp. Sản xuất trong nước chủ yếu là nhập linh kiện, công nghiệp phụ trợ kém phát triển nên năng suất lao động thấp. Ước tính năm 2012, nước ta cần nhập khoảng 1,9 tỷ USD các sản phẩm từ công nghiệp vi mạch bán dẫn để phục vụ nhu cầu trong nước. Do đó, việc thâm nhập sâu vào lĩnh vực này là điều cần thiết để Việt Nam có thể làm chủ nhiều lĩnh vực công nghệ cao khác.
CNVM ở nước ta chỉ được quan tâm khoảng 10 năm trở lại đây. Sự ra đời của sản phẩm chíp vi xử lý 8 bit Sigmak3, tiếp đến là chíp 32 bit, chíp sinh học… ICDREC đánh dấu sự khởi đầu triển vọng của ngành CNVM Việt Nam. Mặt khác, việc những tập đoàn khổng lồ về công nghệ như Intel, Renesas, Applied Micro, Splendid… thời gian gần đây đầu tư nhà máy sản xuất chíp tại Việt Nam là một tín hiệu cho thấy tiềm năng của CNVM là rất lớn.
Chỉ quyết tâm thôi chưa đủ
Ngày 24-11 vừa qua, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã công bố dự án "Thiết kế và chế tạo chíp, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng" do ICDREC chủ trì. Tổng kinh phí của dự án là gần 146 tỷ đồng, trong đó khoảng 125 tỷ từ ngân sách do Bộ KHCN đầu tư và phần còn lại do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (SATRA) đầu tư. Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2015, hướng tới thiết kế và sản xuất thử nghiệm chíp vi xử lý 32 bit công suất thấp, từ đó tiếp tục thiết kế, sản xuất chíp RFID có thể ứng dụng ngay vào đời sống. Sau khi kết thúc dự án, SATRA và ICDREC sẽ cùng phối hợp để kinh doanh các dòng sản phẩm đã được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công. SATRA sẵn sàng đầu tư 200 triệu USD để xây nhà máy sản xuất chíp.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, dự án nêu trên đặc biệt quan trọng vì ngoài số tiền đầu tư cho một dự án KHCN từ ngân sách lớn nhất từ trước đến nay, sự thành công của dự án này sẽ chứng minh rằng Việt Nam có thể chế tạo được chíp ứng dụng vào công nghiệp điện tử. "Có ý kiến cho rằng không nên ủng hộ dự án vốn được nước ngoài phát triển từ nhiều năm trước nhưng tôi cho rằng chúng ta phải có hệ thống các công nghệ nền tảng, chúng ta phải tự làm chủ từ nghiên cứu thiết kế đến chế tạo. RFID có thể coi là "hộp đen" cần giải mã nếu Việt Nam muốn tiến vào CNVM, thay vì chỉ biết sử dụng nó như đã thấy từ trước tới nay" - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Ông Ngô Đức Hoàng cho biết thêm, tình hình nhân lực của ngành thiết kế vi mạch hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vì thế, trong dự án này, ICDREC sẽ hợp tác với 7 trường ĐH và học viện trên cả nước nhằm tạo thêm trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam.
Theo GS Hiroshi Ochi, Công ty Kyushu (Nhật Bản), để phát triển ngành CNVM tại Việt Nam, bên cạnh việc hoạch định chiến lược phù hợp, cần có những chính sách cụ thể và nguồn nhân lực nhất định. Nếu không có nguồn nhân lực ổn định thì sẽ rất khó để phát triển. "Thời gian qua, một số trường ĐH, đặc biệt là các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các phòng thí nghiệm (PTN) trực thuộc: PTN thiết kế và mô phỏng vi mạch (ĐH Bách khoa); PTN thiết kế vi mạch; PTN vi mạch (ĐH Khoa học Tự nhiên). Các đơn vị này đều có những đầu tư nhất định nhưng thiếu nhân lực nên chưa thể hoạt động triệt để, chưa đưa ra những nghiên cứu hiệu quả về CNVM, dẫn tới tình trạng phân tán nguồn nhân lực" - GS Hiroshi Ochi nhận định.
Rõ ràng, cùng với quyết tâm xây dựng ngành CNVM thì điều kiện cần thiết nhất trong lúc này là phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch. Bài toán ấy cần sự vào cuộc của nhiều trường ĐH, các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp.