Lời giải cho bài toán phát triển dạy nghề
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 15/12/2011
Thực hành trên máy tại Trường CĐ Nghề công nghệ cao. Ảnh: Linh Tâm |
Thành phố Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề được tăng lên, mạng lưới cơ sở dạy nghề ngày một phát triển. Tính đến tháng 10-2011, toàn TP có 261 cơ sở dạy nghề, trong đó có 20 trường cao đẳng, 46 trường trung cấp, 56 trung tâm dạy nghề... Đồng thời, TP còn phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập để đào tạo được lực lượng công nhân kỹ thuật cao, TP đã tập trung đầu tư xây dựng mới 2 trường, đó là: CĐ Nghề công nghệ cao, nghề Việt - Hàn; nâng cấp toàn diện Trường Trung cấp Nghề số I, Trường Trung cấp Nghề tổng hợp. Nhờ đó, số lao động được đào tạo nghề tăng từ 117.000 người (năm 2008) lên 140.000 người (năm 2010)... Hà Nội là địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất nước với 31,1% (cả nước là 13,3%, TP Hồ Chí Minh là 20%).
Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng người lao động qua đào tạo mới đáp ứng được 30% nhu cầu sử dụng. Kết quả điều tra của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, mặc dù mỗi năm TP tạo thêm việc làm cho hơn 129.000 lao động (tính từ năm 2008 đến năm 2010) thế nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn còn hơn 3,2%, khu vực nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp sau đào tạo nghề còn cao hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội lý giải, nguyên nhân là do có quá nhiều ngành nghề đào tạo không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Việc chuyển đào tạo sang hướng đáp ứng nhu cầu thực tế diễn ra chậm. Nhiều cơ sở chưa gắn đào tạo với sử dụng, với sản xuất, việc làm và chưa theo sát yêu cầu, sự chuyển động của thị trường lao động. Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nhiều cơ sở sử dụng lao động phải đào tạo lại. Đội ngũ giáo viên dạy nghề vừa yếu vừa thiếu về số lượng.
Theo bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, đa số các trường vẫn tập trung tuyển sinh học những nghề phổ biến, có nhu cầu cao trên thị trường lao động. Một số nghề sản xuất, kinh doanh đặc thù với điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại rất khó tuyển sinh trong khi thị trường lao động có nhu cầu. Đơn cử như trong ngành điện tử, toàn thành phố có 37.476 lao động, chiếm 5,9% lao động trong ngành công nghiệp. So với mặt bằng chung, lao động trong ngành này có chất lượng khá nhưng so với yêu cầu của ngành thì vẫn thiếu công nhân có tay nghề cao. Ngành điện tử là ngành không thu hút nhiều lao động nhưng yêu cầu về trình độ rất cao và cần nhiều kỹ sư thực hành, điều khiển sản xuất, trong những năm tới nhu cầu lao động là khá lớn hoặc ngành sản xuất các sản phẩm từ hóa chất, cao su, plastics có 43.702 lao động cũng sẽ cần thêm nhiều lao động có tay nghề cao.
Theo ước tính của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nhu cầu lao động giai đoạn 2011-2020 tạo ra do phát triển kinh tế xã hội dao động khoảng 130.000-150.000 người/năm. Như vậy, đến năm 2015, nhu cầu lao động cho toàn bộ nền kinh tế Hà Nội là hơn 3,9 triệu người, năm 2020 hơn 4,5 triệu người. Tại hội nghị đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội do UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng hướng giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, hoặc lao động không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp là phải đổi mới phương thức đào tạo nghề, đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động.
Ông Trần Văn Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội cho biết, 90% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Đây là kết quả của quá trình liên kết giữa trường với các doanh nghiệp. "Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với hơn 50 doanh nghiệp trong nước. Hằng năm, chúng tôi tổ chức lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, rồi từ đó điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo cho sát nhu cầu của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trường tổ chức cho giáo viên đi thực tế tại các doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thực tiễn từ đó nâng cao chất lượng đào tạo của trường", ông Đông nói. Trường Trung cấp Nghề Việt - Úc đã thực hiện tốt mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thông qua các hợp đồng đào tạo. Nhờ đó sinh viên ra trường được các đơn vị sản xuất tiếp nhận vào làm việc có thu nhập ổn định. Năm 2010, trường đã khảo sát 500 doanh nghiệp máy tính, 300 doanh nghiệp dịch vụ, 40 doanh nghiệp xây dựng... để ký hợp đồng cung ứng 300 nhân lực cho 8 doanh nghiệp, một khu kinh tế.