Xin chào VPF!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 15/12/2011

(HNM) - Cuối cùng thì sự kiện được tất thảy những người quan tâm đến bóng đá Việt Nam chờ đợi bao ngày qua đã diễn ra. Hôm qua, 14-12, Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được tổ chức tại Hà Nội, xác định rõ thành phần Hội đồng Quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát.


Mô hình mới đã thành hình, "súng lệnh" đã nổ vang. Những nhân tố chủ chốt trong mô hình ấy tuyên ngôn trước bàn dân thiên hạ, từng lời, từng ý làm nở ruột nở gan người hâm mộ chân chính. Rằng "trách nhiệm của VPF là bảo toàn vốn cho các CLB" và dứt khoát sẽ không có chuyện lỗ trong năm đầu tiên VPF tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp. Rằng mục tiêu của VPF không phải là lợi nhuận, mà là tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp hơn, "sạch" hơn và hay hơn... Rồi là những cam kết chăm lo cho trọng tài đủ để các "vua" có thể ngó lơ "lời đề nghị khiếm nhã", là loại trừ thẳng tay những giám sát thiếu trách nhiệm, kiên quyết chống lại những gì được gọi là "đi đêm"…

Chưa kể hết nhưng chỉ bằng ấy mục tiêu đã muốn tin ngay rằng bóng đá Việt Nam mở mày mở mặt đến nơi rồi! Nhiều người đã coi sự xuất hiện của VPF là "bước ngoặt của bóng đá Việt Nam", là "một cuộc cách mạng" trong tổ chức thi đấu bóng đá.

Nhưng rồi lại phải tự vấn trước hàng loạt vấn đề mà người quan tâm bóng đá nhỏ to trong những ngày qua. Những ý tứ "lời nói và hành động", "bình mới, rượu cũ", "thôi thì cứ chờ xem"… văng vẳng, không thể coi nhẹ. Bởi, trong lịch sử bóng đá Việt Nam đã có bao lần thay đổi nhân sự, bao phương án cải tổ, bao lời hứa… chắc như lim mà tới giờ “con tàu” bóng đá vẫn lắc lư dữ dội.

Chẳng thể giận những người lo xa, bởi ai cũng biết, VPF đang "cưỡi trên lưng hổ", trước một nền bóng đá bao năm nay được vận hành bởi một lề lối quản lý còn quá nhiều vấn đề bất cập, từ đào tạo trẻ, điều hành các giải đấu, quy định sử dụng cầu thủ ngoại, quy chế chuyển nhượng đến định hướng phát triển nền bóng đá chuyên nghiệp. "Con tàu" ấy, không phải ai cũng dám nhảy vào và khi có người đủ tài đủ can đảm gánh lấy trách nhiệm cầm lái mở đường thì chưa hẳn là mọi thứ sẽ hanh thông. VPF hoạt động với tính độc lập nhất định, nhưng không thể thoát khỏi cái bóng VFF - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, vì xét trên phương diện nhân sự thì vẫn có người của VFF trong VPF, xét về đường lối hoạt động thì VPF vẫn phải tuân thủ những quy chế, điều lệ hiện hành trước khi nghĩ đến việc thay đổi chúng cho phù hợp hơn. Mà với những gì sẵn có, những thói quen xấu khó bỏ từ sân cỏ đến hậu trường bao năm nay, đâu phải ai cũng muốn thay đổi, đâu phải tổ chức chuyên nghiệp hay người tài nào cũng có thể thay đổi được ngay. Chào mừng VPF nhưng cũng lại lo cho VPF là vì thế.

Cuối cùng, VPF có thể làm gì?

VPF mạnh về tài chính, chắc chắn có sự hậu thuẫn của không phải một mà là một số trong những người giàu nhất Việt Nam, có sự hậu thuẫn của nhiều tổ chức tín dụng uy tín thông qua các cá nhân hoặc CLB bóng đá. Nhưng tiền không phải tất cả (như bao năm nay V-League được tiếng giàu có nhờ các Mạnh Thường Quân mà nền bóng đá vẫn lao đao vì… tiêu tiền đấy thôi). Điều cần là tính chuyên nghiệp trong tổ chức điều hành, sự minh bạch về tài chính, khả năng tác động để thay đổi những nội dung quy chế, điều lệ mang tính chuyên nghiệp nửa vời, xóa bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ để kiên trì những mục tiêu cơ bản, dài hơi…

VPF có thể làm được điều lớn lao cho bóng đá Việt Nam nếu có được sự đồng lòng của các ông chủ CLB bóng đá và nhất là của các thành viên chủ chốt của VFF trong VPF. Bằng không, thật khó nói trước điều gì!

Dục Tú