Tết trong mắt người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam

Xã hội - Ngày đăng : 17:10, 14/12/2011

(HNMO) - Tết đem đến vô vàn những cung bậc cảm xúc khác nhau đối với cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam, từ náo nức, thích thú đến lo âu, e ngại. Với các nhà quản lý các khách sạn hàng đầu, tâm trạng này càng phức tạp hơn


Một số nhà quản lý khách sạn, cũng như nhiều người nước ngoài, thường rời Việt Nam vào những ngày Tết để đi đến những bãi biển thơ mộng ở Thái Lan hay Bali. Những người khác thì rơi vào cảm giác buồn chán của những ngày nghỉ dài với những tập tục không thể bỏ qua trong ngày Tết Việt. Nhịp sống hối hả ngày thường biến mất, thay vào đó là không khí thoải mái và rộn ràng của những sắc hoa tươi thắm, những buổi gặp gỡ bạn bè và vui chơi hết mình.

Ông AnthonyGill, Tổng giám đốc khách sạn La Residence Huế, bày tỏ: “Theo phép lịch sự, không ai muốn khước từ lòng hiếu khách của bạn bè. Nhưng vấn đề là ngày hôm sau tất cả chúng tôi đều phải thức dậy đi làm”.

Ông Anthony Gill, Tổng giám đốc khách sạn La Residence


Việc nâng ly chúc mừng năm mới theo phong tục của Việt Nam lại chính là điều khiến nhiều người e ngại. Nếu bạn là nam giới và là người nước ngoài, áp lực của bạn bè đối với việc uống mừng theo kiểu “1, 2, 3, dzô!” trong ngày Tết có thể không mấy dễ chịu. Một số người (ví dụ như người Úc) không mấy khó khăn khi so tửu lượng với những người bạn Việt trong khi số khác thì viện cớ có vấn đề về sức khỏe để từ chối.

Giám đốc điều hành Công ty Mandarin Media Jim Sullivan đã đến Huế từ năm 1993, và dường như có kinh nghiệm hơn trong việc từ chối khéo khi "bị ép" uống nhiều bia rượu. Ông tiết lộ: “Tôi thì lúc nào cũng giả vờ mình mắc bệnh viêm gan A”.

Ông Albert Lafuente, Giám đốcKinh doanh và Tiếp thị của khu nghỉ dưỡng The Nam Hải, Hội An.


Tuy nhiên,nếu bạn vượt qua được những trở ngại này, mùa Tết có thể sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị với hương thơm thanh khiết của hoa nhài, sắc vàng rực rỡ của những trái quất lủng lẳng trên cành như những bóng đèn nhỏ xinh, và màu hồng thắm của hoa đào chớm nở. Đặc biệt, bạn sẽ thấy được đức tính lạc quan của người Việt qua cách ứng xử của họ vào những ngày Tết, họ giũ bỏ những thứ không hay của năm cũ để đón chào năm mới với một phong thái mới, tươi sáng hơn.

Ông AlbertLafuente, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của khu nghỉ dưỡng The Nam Hải, Hội An, cho biết: “Khu nghỉ dưỡng của chúng tôi luôn khoác lên một diện mạo mới và cảm giác mới trong những ngày Tết. Chúng tôi tập trung trang trí các nhà hàng, tiền sảnh khách sạn, và khu vực vui chơi của trẻ em để khách có thể cảm nhận được không khí Tết ở đây”.

Tết là dịp mọi người quây quần với nhau trong không khí ấm cúng của gia đình, vì vậy lượng khách Việt lưu trú tại các khách sạn thường ít đi trong dịp Tết. Những người Việt Nam ở nước ngoài bay về nước trong những ngày này cũng là để đoàn tụ với gia đình, không phải để tận hưởng cảm giác thoải mái ở những khách sạn sang trọng.

ÔngAnthony Gill cho biết: “Chúng tôi rất bận rộn trong dịp Tết. Mặc dù thời tiết đôi khi khá ảm đạm, tháng 1 và tháng 2 vẫn là mùa đón tiếp du khách quốc tế cao điểm. Một số khách của chúng tôi hiểu biết khá rõ về các tập tục và truyền thống ngày Tết Việt. Nhưng cũng có vài người khác thì lại thắc mắc tại sao tất cả các cửa hàng đều đóng cửa suốt dịp Tết”.

Đây là cái Tết thứ năm của ông Gill tại Việt Nam. Ông thích không khí hội tụ đông vui và ấm áp vào dịpTết, thích lì xì (tặng tiền mừng tuổi) đầu năm; và thích kỷ niệm về cái Tết Việt đầu tiên khi hai vợ chồng ông cùng dùng bữa tối với ca sĩ Hồ Ngọc Hà tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lafuentethì lại thích những điểm tương đồng giữa các phong tục tập quán ngày Tết ở Việt Nam với lễ Giáng Sinh và Năm mới tại Phi-lip-pin, nơi ông đã lớn lên: đoàn tụ gia đình, thăm hỏi người thân, tặng quà cho nhau, mời khách dùng những món ăn chỉ có trong ngày lễ, và nhiều điều khác nữa.

Cái Tết thứ 3 của ông Lafuente đang đến gần. Ông tâm sự: “Những phong tục ngày Tết của Việt Nam khiến tôi cảm thấy ấm lòng và gần gũi hơn với quê hương”.

Đình Thành