Hãy sát với thực tế cuộc sống
Công nghệ - Ngày đăng : 07:08, 14/12/2011
Sự đổi mới đáng kể
Hiệu quả ứng dụng thực tiễn là tiêu chí hàng đầu đối với công tác nghiên cứu khoa học. Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội, ông Lê Xuân Rao đưa ra con số ấn tượng: Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn của các đề tài hiện ở mức trên 70%, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực quản lý, sản xuất cũng như phục vụ nhu cầu y tế, giáo dục, truyền thông… Điều đặc biệt là kể từ năm 2010, hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu đã có sự đổi mới đáng kể, đó là bàn giao cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp có nhu cầu ứng dụng, có kèm theo máy móc, thiết bị nghiên cứu của đề tài, dự án.
Nghiên cứu nuôi cấy giống nấm cao cấp mới tại Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật. Ảnh: Nguyệt Ánh
Năm 2011 có 54 đề tài, dự án thuộc 9 lĩnh vực được bàn giao cho 63 sở, ngành, quận, huyện, tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh, tăng 3 lần so với năm trước. Đó đều là những đề tài, dự án được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và đặc biệt là nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có thể sử dụng chung kết quả nghiên cứu. Theo ông Bùi Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, các nghiên cứu được chuyển giao cho sở năm nay mang tính ứng dụng cao, khả thi bởi có "địa chỉ" sử dụng rõ ràng, đề cập tới những vấn đề nóng trong quản lý như môi trường, phòng chống lũ lụt, quản lý xây dựng, phát triển đô thị… Nghệ nhân Lê Văn Khang, Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân TP Hà Nội, chủ một cơ sở đúc đồng tại Hà Nội tâm đắc với kết quả nghiên cứu Công nghệ đúc hút chân không các sản phẩm mỹ nghệ từ hợp kim đồng cho sản xuất mà cơ sở của ông tiếp nhận. Công nghệ này có thể giúp người thợ giảm được 1/3 thời gian trong các công đoạn mài, giũa, đục, chạm sản phẩm đồng, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Theo ông Lê Văn Khang, điều này có ý nghĩa rất lớn với các làng nghề hiện nay, nhất là khi các sản phẩm truyền thống đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.
Rõ ràng là so với trước đây, công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KH-CN đã có bước tiến quan trọng, thiết thực hơn và tránh được xu hướng nghiên cứu rồi... để đấy, hoặc không thể ứng dụng bởi cách chọn đề tài xa rời thực tiễn.
Xích lại gần đời sống
Tuy thế, không phải bức tranh ứng dụng nghiên cứu khoa học toàn một màu hồng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái lưu ý những bất cập, như tỷ lệ giải ngân cho KH-CN - kể cả vốn đầu tư phát triển và kinh phí nghiên cứu - chưa cao, còn dàn trải. Tỷ lệ sản phẩm KH-CN được thương mại hóa chưa như mong muốn. Hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn thiếu, không đồng bộ, lực lượng cán bộ khoa học tại các cơ quan, doanh nghiệp còn hạn chế về số lượng và trình độ. Tiếc thay, dường như đó lại là những yếu tố quan trọng, có tính cơ bản giúp cho công tác nghiên cứu đạt hiệu quả cao.
TS Trần Việt Hùng, đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình 01C-01 cho rằng cần có sự đổi mới tư duy. Để hoạt động nghiên cứu khoa học được chủ động hơn, Hà Nội cần xây dựng một dự án KH-CN, bao gồm tổng các dự án trong một năm với số lượng do một hội đồng tư vấn quyết định. Cũng nên có Quỹ Phát triển KH-CN để bất cứ khi nào có đề tài tốt thì đều có thể xem xét tiến hành, thay vì phải giới hạn vì phụ thuộc vào kế hoạch năm. Như vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ không mang tính "thời vụ", mà theo nhu cầu sáng tạo của nhà khoa học và nhu cầu của doanh nghiệp.
Để kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống đắc lực hơn, điều quan trọng là tạo thêm cầu nối giữa nhà sản xuất và nhà nghiên cứu. Đại diện lãnh đạo Sở KH-CN - một "nhịp cầu lớn" - muốn các nhà khoa học xích lại gần thực tiễn hơn nữa. Theo ông Lê Xuân Rao, muốn kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao thì không có cách gì khác ngoài tiến hành chặt chẽ khâu xét chọn đề tài, kiểm tra tiến độ và nghiệm thu, và quan trọng là "chốt được dạng sản phẩm của đề tài". Ban chủ nhiệm các chương trình KH-CN cấp TP cần nghiên cứu, hình thành sản phẩm hội tụ điều cần thiết cho nhiều lĩnh vực, nhiều ngành có chuyên môn sâu để tạo ra dòng sản phẩm mang thương hiệu của Hà Nội.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, cần ưu tiên nghiên cứu các vấn đề có thể ứng dụng vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, nông thôn mới, quy hoạch phát triển, xây dựng kiến trúc đô thị Hà Nội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Với những gì thật cần cho sự phát triển bền vững của Thủ đô, các đơn vị có thể đề xuất cơ chế, chính sách để phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức vào thực hiện nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án quan trọng. Trong lĩnh vực KH-CN, đó có thể là Dự án xây dựng Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên, Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ...