Khi nào “cứu” chứng khoán?

Tài chính - Ngày đăng : 07:09, 13/12/2011

(HNM) - Hàng loạt mã cổ phiếu (CP) niêm yết trên sàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xuống dưới ngưỡng 10.000 đồng/CP, có những mã thậm chí chỉ còn 1.000-2.000 đồng/CP.


Thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều nhà đầu tư không còn kiên nhẫn tham gia. Ảnh: Huyền Linh

Thị trường tụt dốc

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần mới (ngày 12-12), chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 0,37 điểm, tương đương 0,6%, dừng lại ở 61,36 điểm. Trong khi đó, trên sàn TP Hồ Chí Minh, VN-Index mất 1,86 điểm (0,49%), đạt 375,3 điểm. Như vậy, chỉ số HNX-Index rơi xuống dưới ngưỡng 70 điểm kể từ phiên 12-10 đến nay, còn VN-Index mất mốc 400 điểm sau phiên giảm điểm ngày 11-11. Trước đó, các chỉ số chứng khoán cao điểm hơn, nhưng cũng chỉ được coi là "lình xình", bởi HNX-Index không thể đạt lại ngưỡng 80 điểm, trong khi VN-Index còn phải với một khoảng rất xa mới tới mốc 500 điểm. Thị trường tụt từ dốc này xuống dốc khác, nhưng lâu nay người ta không còn dùng từ "phá đáy", bởi tất cả các "đáy" hay ngưỡng kháng cự, nguy hiểm của thị trường đều đã được thiết lập. Nhà đầu tư không còn nháo nhác, còn cơ quan chức năng không sốt sắng với việc tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị bàn cách cứu thị trường như trước.

Theo các chuyên gia, thị trường khó hồi phục khi niềm tin của giới đầu tư bị giảm mạnh. Nhìn lại thị trường trong nhiều tháng nay có thể thấy, phần lớn các mã CP niêm yết đều mất điểm đến mức "thảm hại". Bất kể trên sàn Hà Nội, hay lớn hơn là sàn TP Hồ Chí Minh, các mã CP có giá dưới ngưỡng 10.000 đồng/CP chiếm đa số. Trước đây, ngưỡng 10.000 đồng/CP chỉ được coi là mệnh giá phổ thông và hầu hết các mã CP đều được chào sàn với mức giá cao hơn mức này. Nhưng, nhiều tháng trở lại đây, các mã CP đua nhau rớt giá khi nhà đầu tư ào ào bán ra. Thời kỳ giá CP lên đến 200-300 nghìn đồng/CP không còn, thay vào đó, thị trường tràn ngập mã CP có giá dưới 10.000 đồng/CP cả trên sàn TP Hồ Chí Minh hay sàn Hà Nội. Có những mã chỉ còn được giao dịch với giá bằng mớ rau ngoài chợ, như AGC, AME, APS, CIC, DHI, HHL, KSD, KTT, ORS, PHS, PCT, PCC, PXA… trên sàn Hà Nội dao động từ hơn 2.000 đồng đến hơn 3.000 đồng/CP. Còn trên sàn TP Hồ Chí Minh, luôn được coi là sàn giao dịch chứng khoán lớn hơn sàn Hà Nội, bởi quy tụ những DN có vốn lớn hơn, cũng không thoát khỏi cảnh "èo uột" khi giá của nhiều mã CP "lao dốc không phanh". Có mã chỉ còn dưới 2.000 đồng/CP như BAS (1.500 đồng/CP), CAD (1.800 đồng/CP), VKP (900 đồng/CP), VSG (1.900 đồng/CP)… Những mã có giá 2.000-3.000 đồng/CP cũng chiếm số lượng không nhỏ.

Thị trường lao dốc, giá của các mã CP "rơi rụng" theo từng ngày khiến nhiều nhà đầu tư không còn đủ kiên nhẫn để tham gia. Những nhà đầu tư mua CP từ mấy năm trước giờ chỉ còn biết ngao ngán vì giá đã "bốc hơi", chỉ còn 1/10 so với trước. Ngay cả với những mã được coi là "vua" của một thời là CP ngân hàng, chứng khoán cũng không thoát được cảnh ảm đạm. Những mã từng làm mưa làm gió trên thị trường như ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu), SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn), KLS (Công ty Chứng khoán Kim Long), SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội), VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương), CTG (Ngân hàng TMCP Công thương)…chỉ còn mức giá rất thấp.

Nhìn về tính thanh khoản có thể thấy nhiều phiên liên tiếp, khối lượng giao dịch của thị trường không rơi xuống mức quá thấp. Tính thanh khoản của thị trường luôn ở mức trung bình, với khoảng hơn 50 triệu đơn vị được giao dịch trên cả 2 sàn. Chốt phiên ngày 12-12, toàn thị trường có gần 64 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị hơn 780 tỷ đồng.

Làm gì để "cứu" thị trường?

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, sự sụt giảm của thị trường ngoài những yếu tố nội tại của nền kinh tế trong nước, còn do những yếu tố thiếu khả quan từ sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều rối ren, những thị trường chứng khoán lớn trên thế giới còn bị mất điểm thì thị trường trong nước khó có thể "thoát". Song, UBCKNN cũng đưa ra những biện pháp để "cứu" thị trường như tái cấu trúc thị trường chứng khoán, với việc giảm số lượng công ty chứng khoán. Đề án tái cấu trúc thị trường dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý II-2012, triển khai trong năm 2012 và đầu năm 2013. Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng và dự kiến trong quý IV-2012 Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường... Bộ Tài chính cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục kéo dài việc miễn giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như cá nhân.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra vẫn chỉ là lý thuyết, việc quan trọng nhất hiện nay là lấy lại niềm tin của giới đầu tư. Để làm được việc này, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cần minh bạch hơn trong việc công bố thông tin về DN niêm yết, xử phạt nghiêm những đơn vị, cá nhân "làm giá" CP. Việc quan trọng khác mà cơ quan chức năng cần làm chính là nên sắp xếp lại DN niêm yết trên 2 sàn chứng khoán, đặc biệt là trên sàn TP Hồ Chí Minh với những tiêu chí khắt khe hơn, không thể để tồn tại những mã CP chỉ có giá 1.000 hay 2.000 đồng/CP. Đối với những công ty niêm yết cũng cần công bố những thông tin chính xác về tình hình kinh doanh của DN dưới sự đánh giá của những đơn vị có uy tín để nhà đầu tư tin tưởng vào kết quả kinh doanh của DN, từ đó đẩy mạnh mua vào CP, giúp thị trường hồi phục. Nếu tất cả những DN niêm yết đều có kết quả tốt và minh bạch, sức khỏe của thị trường chắc chắn sẽ hồi phục lại.

Đức Anh