Cải cách chậm, lãng phí lớn

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:04, 13/12/2011

(HNM) - Cải cách hành chính không còn là mới khi đã được thực hiện suốt nhiều năm qua, song, do cách triển khai chưa đồng bộ, chưa thực sự hiệu quả nên không những gây phiền hà cho tổ chức, công dân mà còn trở thành vấn đề bức xúc kéo dài ở nhiều địa phương, gây tốn kém, lãng phí lớn.

Và dù các cơ quan đã điều chỉnh cách thức thực hiện giải quyết công việc của dân, nhưng những bất cập trong công tác cán bộ cùng với thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà khiến người dân và doanh nghiệp (DN) vẫn rối bời khi thực hiện TTHC.

Đất đai, nhà ở là lĩnh vực còn nhiều phức tạp trong công tác CCHC. Ảnh: Khánh Nguyên

Nhiều "rào cản"

Lĩnh vực đất đai, nhà ở thường bị "kêu" là phức tạp nhất cả về số lượng thành phần hồ sơ, trình tự giải quyết và thời gian giải quyết. Để thực hiện một bộ hồ sơ liên quan đến lĩnh vực nhà đất, công dân thường phải đi lại nhiều lần mới hoàn thiện được đầy đủ các thành phần hồ sơ theo quy định. Bà Phạm Thị Quy (thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) vẫn bức xúc khi kể với chúng tôi về một lần đến tìm hiểu về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSD), được bộ phận "một cửa" của UBND huyện Từ Liêm (Hà Nội) phát cho tờ hướng dẫn liệt kê rất nhiều yêu cầu. Theo bản hướng dẫn đó, riêng hồ sơ để nộp thuế, mỗi người ít nhất cũng phải chuẩn bị 12 loại giấy tờ với 21 bản khác nhau, nhiều nhất phải có 17 loại giấy tờ với 31 bản (gồm: 1 bản chính giấy chứng nhận QSD đất, tài sản gắn liền với đất; 4 bản công chứng giấy chứng nhận QSD; 1 bản gốc, 1 bản photo hợp đồng chuyển nhượng, bản lưu tại cơ quan địa chính; 1 bản gốc, 1 bản photo hợp đồng chuyển nhượng, bản lưu tại cơ quan thuế; 2 bản chứng thực chứng minh thư, hộ khẩu của bên chuyển nhượng; 2 bản chứng thực chứng minh thư, hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng…). Đọc xong hướng dẫn bà Quy vẫn thấy rối tinh rối mù. Đây cũng là nỗi niềm chung của những người thực hiện thủ tục này.

Thủ tục rắc rối, phức tạp cũng là nguyên nhân cản trở cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài. Điều này được thấy rõ ở các dự án thuộc cơ chế phát triển sạch (CDM). Sau gần chục năm tham gia CDM (từ 2002), đến nay, Việt Nam mới có 26 dự án được Ban Điều hành quốc tế (EB) phê duyệt (trong tổng số hơn 2.200 dự án CDM của gần 40 quốc gia). Nguyên nhân là do DN Việt Nam đang gặp hàng loạt khó khăn khi tiếp cận các dự án CDM; TTHC rắc rối, phức tạp khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi tiếp cận với các dự án. Để thực hiện một dự án CDM tại Việt Nam DN phải chuẩn bị hồ sơ theo thủ tục cấp Thư xác nhận ý tưởng và Thư phê duyệt tài liệu thiết kế với tổng thời gian là 75 ngày (nhiều hơn các nước khác từ 10 đến 15 ngày). Trên thực tế, thời gian để hoàn thành thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm, thậm chí lâu hơn.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo phê duyệt dự án ở Việt Nam có tới 18 thành viên, thuộc 14 cơ quan khác nhau (trong khi các nước có từ 7 đến 9 cơ quan). Chính vì bộ máy cồng kềnh như vậy nên các cuộc họp thẩm định để phê duyệt dự án khó tổ chức thường xuyên, thời hạn xét duyệt thường bị kéo dài gây tốn kém. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ TN-MT, tiềm năng CDM ở Việt Nam rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng (điện gió, năng lượng tái tạo, thủy điện) và lâm nghiệp. Bộ TN-MT đã tính toán, nếu được đầu tư phù hợp và thuận lợi, chỉ trong 5 năm (2008 - 2012), các dự án CDM sẽ mang lại nguồn thu nhập ròng thêm đến 250 triệu USD. Còn theo tính toán của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Năng lượng và Môi trường Việt Nam (VNEEC) - đơn vị tư vấn về các dự án CDM, thì chỉ tính riêng các dự án CDM thuộc lĩnh vực thủy điện, giá trị ròng về bán tín chỉ khí thải các bon cũng bằng khoảng 20 đến 25% giá trị ròng thu về của bán điện.

Theo kết quả điều tra khảo sát về cảm nhận của người dân về nền hành chính công do Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) thực hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cho thấy: 45% số người dân tham gia khảo sát cho rằng thủ tục liên quan đến QSD đất là những thủ tục phiền hà nhất; 67% số người trả lời khảo sát cho rằng TTHC cần quá nhiều giấy tờ và 73% cho rằng cần có mối quen biết mới hoàn thành được thủ tục cần làm.

Tại các cuộc diễn đàn, trao đổi, nhiều DN cho rằng, điều kiện kinh doanh luôn là lực cản, trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: "Những cái "vướng" ở thị trường nước ngoài không bằng "vướng" bởi quy định về TTHC ở trong nước. Đó là một nghịch lý mà các DN Việt Nam đang phải chịu". Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho biết cụ thể hơn: "Trong thủ tục đăng ký kinh doanh, nhiều DN vẫn phải chờ hơn một tháng hoặc cả năm mới có đủ giấy phép kinh doanh. Riêng thời gian để hoàn tất đăng ký thành lập DN mới hay đăng ký sửa đổi cũng mất từ 7 đến 10 ngày". Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM), các DN cần có 260 ngày để hoàn tất 13 TTHC trước khi có thể triển khai sản xuất.

Yếu khâu cán bộ

Đến nay, cả nước đã triển khai thực hiện việc giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa" theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được gần 4 năm. Mô hình này đã tạo sự chuyển biến trong việc nâng chất lượng phục vụ của cán bộ, làm thay đổi nếp nghĩ của người dân về cơ quan công quyền. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những đơn vị chưa coi trọng việc này, biểu hiện ở việc bố trí diện tích, trang thiết bị chưa đúng quy định; chưa phân công đúng, đủ nhân sự; không mở sổ nhật ký công việc; việc ghi chép sổ sách thiếu thông tin… Đặc biệt, nhiều đơn vị đầu tư tổ chức bộ phận "một cửa" chỉ là hình thức khi vẫn tiếp nhận hồ sơ tại phòng chuyên môn, hoặc chỉ cử cán bộ chuyên môn xuống ngồi tại "một cửa" chứ không bố trí cán bộ chuyên trách.

Tại TP Hà Nội, đoàn kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC của TP tiến hành kiểm tra liên tục trong 4 năm qua đã phát hiện những đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Các xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên), Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), Tiền Phong (huyện Mê Linh) chưa tổ chức thực hiện "một cửa". Các huyện Phúc Thọ, Mỹ Đức và các xã An Thượng, Cát Quế, Vân Côn, Yên Sở (huyện Hoài Đức)… chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận "một cửa". Theo ông Phùng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ: "Do sự thiếu quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị cũng như việc thực hiện chưa tốt cơ chế "một cửa" nên hồ sơ giải quyết chậm so với quy định còn cao ở một số sở và quận, huyện-tỷ lệ chậm từ 5-10%".

Thực tế cho thấy, những quy định, thủ tục "rối như canh hẹ" đang bị một số cán bộ lợi dụng để nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân, DN. Thời gian qua, Báo Hànộimới đã phản ánh nhiều về sự thờ ơ, vô cảm của cán bộ dẫn đến việc chậm cấp "sổ đỏ" cho công dân. Ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) cho biết: "Theo số lượng thống kê chưa đầy đủ, nhưng phản ánh đúng, có tới 30% công chức cấp xã chưa qua đào tạo, vậy sẽ rất khó bảo đảm họ giải quyết được công việc, nhất là trong các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao như địa chính, tư pháp".

(còn tiếp)

Hiền Chi