Sẽ không còn Thu Phương, Huy MC, Bằng Kiều trong làng ca nhạc Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 16:33, 23/02/2004

Ngày 18-2, Cục Nghệ thuật - biểu diễn đã gửi công văn kiến nghị Bộ Văn hóa - thông tin hình thức xử lý các ca sĩ Thu Phương, Quang Huy (Huy MC) và Bằng Kiều sau khi tiến hành xác minh những thông tin liên quan đã đăng tải trên báo chí trong thời gian qua.

Vợ chồng Quang Huy - Thu Phương

Ngày 18-2, Cục Nghệ thuật - biểu diễn đã gửi công văn kiến nghị Bộ Văn hóa - thông tin hình thức xử lý các ca sĩ Thu Phương, Quang Huy (Huy MC) và Bằng Kiều sau khi tiến hành xác minh những thông tin liên quan đã đăng tải trên báo chí trong thời gian qua.

Nội dung công văn nêu ra ba hình thức xử lý, đó là: tạm dừng các chương trình sản xuất băng đĩa, chương trình biểu diễn trên sóng phát thanh, truyền hình của Thu Phương, Huy MC, Bằng Kiều; không sử dụng các tác phẩm sáng tác của Bằng Kiều trong các chương trình băng đĩa, trên sóng phát thanh, truyền hình; không sử dụng các tiết mục đã biểu diễn của Thu Phương, Huy MC, Bằng Kiều trên sóng phát thanh, truyền hình và trong băng đĩa.

Từ tháng 2-2003, vợ chồng ca sĩ Thu Phương - Quang Huy đã sang Mỹ với danh nghĩa du lịch, sau đó ở lại biểu diễn mà không xin phép Nhà hát Tuổi Trẻ. Tháng 11-2003, Quang Huy đến Nhà hát Tuổi Trẻ xin thôi việc cho cả hai vợ chồng và quay sang Mỹ sau khi hoàn tất các thủ tục.

Về ca sĩ Bằng Kiều, Cục Nghệ thuật - biểu diễn cho biết đã thu thập được một số thông tin về những hành động sai trái của ca sĩ này tại hải ngoại
Ngày 9-2-2004, ca sĩ Huy MC đã lên đường sang Mỹ, chấm dứt những lời đồn đại về việc ca sĩ này sẽ bị cấm xuất cảnh rời khỏi VN trong vòng 5 năm. Cuộc ra đi lặng lẽ lần này, dù ngay tại sân bay quốc tế Nội Bài, Huy MC có nói rằng mình sẽ trở về VN sau 2 tháng nữa, nhưng có lẽ đối với công chúng yêu nhạc trong nước, đó sẽ là cuộc ra đi không quay trở lại.

Vì, từ vài tháng nay, sau khi có những thông tin chính thức về việc cặp ca sĩ Thu Phương - Huy MC quyết định gia nhập làng ca nhạc Việt tại hải ngoại một cách không được đàng hoàng cho lắm, họ đã bị "gạch tên'' trên thị trường ca nhạc trong nước.

Sắp tới đây, một ngôi sao là Bằng Kiều cũng sẽ nhận quyết định chính thức của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) - Bộ VHTT cấm biểu diễn (cả trên sóng phát thanh, truyền hình) và phát hành băng đĩa trên toàn lãnh thổ VN vì những hành động quay lưng lại với Tổ quốc và những người từng yêu mến anh; album mới nhất của Bằng Kiều (Anh sẽ nhớ mãi) vừa được Việt Tân Studio tung ra trước Tết cũng sẽ chấm dứt phát hành trong một vài ngày tới.

Thực sự giới ca nhạc VN đau xót và tê tái trước những cuộc ra đi đáng hổ thẹn như vậy của các ngôi sao, từng là thần tượng của biết bao người. Trong xu thế mở cửa và hợp tác (trong đó có văn hóa, có âm nhạc) với bên ngoài (bao gồm cả khu vực người Việt tại hải ngoại), hàng chục nghệ sĩ VN tại nước ngoài trước đây dù ra đi dưới hình thức này hay hình thức khác, đã trở về biểu diễn, thậm chí có người mua nhà và ổn định sinh sống tại VN, thì những cuộc ra đi này quả là những dòng nước ngược.

Những dòng nước ngược không chỉ cho thấy ''có vấn đề" trong nhận thức và hiểu biết, nhân cách và bản lĩnh của các ca sĩ mà hệ thống quản lý hoạt động biểu diễn cũng "có vấn đề''. Với cả hai trường hợp đáng tiếc nêu trên, từ đơn vị trực tiếp quản lý ca sĩ (Nhà hát Tuổi trẻ với Thu Phương và Huy MC), tới đơn vị quản lý toàn bộ các hoạt động biểu diễn và phát hành băng đĩa (Cục NTBD) đều quá chậm chạp từ nắm bắt sự việc cho tới việc giải quyết hậu quả.

Với Thu Phương, Nhà hát Tuổi trẻ là nơi ký giấy cho cô sang Mỹ tháng 6-2003 với mục đích du lịch và ghi âm, nhưng dư luận mới là người phát hiện sự bất bình thường của chuyến đi hẹn mãi không thấy về này. Cũng chính Nhà hát Tuổi trẻ là người tuyên bố chỉ giải quyết vấn đề Thu Phương khi ca sĩ này phải về nước trực tiếp làm việc với nhà hát. Nhưng rồi Thu Phương không về mà mọi việc vẫn phải có kết thúc.

Ca sĩ Bằng Kiều

Sự việc với Bằng Kiều xảy ra từ đầu tháng 1-2004, các thông tin tung đầy lên mạng, trên radio tại hải ngoại và trên báo chí người Việt tại Mỹ nhưng phải đợi 1 tháng sau, khi báo chí trong nước lên tiếng, những nhà quản lý mới hay biết. Sự chậm chạp, luôn phải giải quyết hậu quả khi sự việc đã rồi của các cơ quan quản lý văn hóa chỉ có thể giải thích ở sự quan liêu? Thiếu trách nhiệm? Hay còn vì sự e ngại nào khác? Sự cởi mở và dân chủ trong đời sống văn nghệ (trong đó có ca nhạc) không đồng nghĩa với sự lỏng lẻo, e dè, thiếu nhất quán và thiếu cương quyết về kỷ cương quản lý.

Không lâu trước đây, ngày 14-1-2004, cuộc tọa đàm "Vai trò, trách nhiệm của ca sĩ đối với xã hội" được Bộ VHTT và Cục NTBD tổ chức tại TPHCM có sự tham dự của đông đảo giới chức văn hóa TPHCM và Bộ VHTT cùng nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, nhà tổ chức biểu diễn, rất được chờ đợi trước đó nhưng cuối cùng vẫn chỉ dừng lại ở chuyện hình thức, bởi lẽ ngay sau đó, trong giới nhạc lại xảy ra biết bao nhiêu chuyện lộn xộn.

Từ mâu thuẫn trong công việc của một nhà tạo mẫu với một ca sĩ được dàn dựng ồn ào lên thành vụ dùng xã hội đen thanh toán nhau. Đến chuyện tan rã của một nhóm boyband nhưng lại gây dựng thành một buổi chia tay sướt mướt, ca sĩ tổ chức đình công, hủy bỏ show diễn, gây tá hỏa cho nhà tổ chức.

Từ chuyện hai nữ danh ca Thanh Lam và Thu Phương biểu diễn tại Mỹ để rồi dư luận hải ngoại lớn tiếng dèm pha và tổ chức hẳn một cuộc họp để tẩy chay, không hợp tác với ca sĩ trong nước. Và nhất là chuyện của Bằng Kiều... Cho đến nay hầu hết những vụ lộn xộn này vẫn nằm ngoài tầm tay của các nhà quản lý. Nhưng thủ tục xin cấp phép ra album chẳng hạn thì lại cực kỳ chặt chẽ, thậm chí rắc rối.

Bản quy chế (mới) về hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được dự kiến công bố từ năm 2003, đến nay vẫn còn là dự thảo. Và ngay cả khi nó được phê duyệt để chính thức áp dụng, cũng không nên hy vọng nhiều ở tính hiệu quả của nó nếu các nhà quản lý vẫn giữ phong cách làm việc hiện nay.

Theo Tintuc

THANHNGA