Khống chế mầm bệnh từ gốc

Xã hội - Ngày đăng : 07:38, 12/12/2011

(HNM) - Dịch cúm gia cầm (CGC) và đại dịch cúm ở người đã được tạm thời khống chế nhưng vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ trở lại của dịch rất lớn


Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại một trang trại chăn nuôi ở xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng.Ảnh: Huy Hùng

Ông Đỗ Hữu Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2003 virút CGC độc lực cao chủng H5N1 bùng phát ở Việt Nam với nhiều ca lây nhiễm phát hiện trên người và các loại gia cầm (GC). Tính đến tháng 3-2011, Việt Nam đã có 119 người nhiễm cúm A H5N1, trong đó có 59 ca tử vong. Trong chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống CGC và cúm ở người (sách xanh) giai đoạn 2006-2010, Việt Nam đã có những kinh nghiệm trong công tác phòng chống CGC, hầu hết những ổ dịch nhỏ, lẻ đều được phát hiện và xử lý kịp thời. Hiện tượng lây nhiễm bệnh từ GC sang người đã được kiểm soát. Số người tử vong do lây nhiễm được hạn chế đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hữu Dũng, mặc dù tính đến ngày 8-12, tạm thời dịch bệnh được khống chế nhưng sự miễn dịch của đàn GC đang giảm, do năm 2011 các địa phương tạm dừng tiêm loại vắc xin Trung Quốc Re-5 cho GC vì không bảo đảm mức độ cần thiết đối với biến thể virút mới H5N1 gây ra. Hiện nay, Cục Thú y đang nghiên cứu và thử nghiệm tiêm phòng loại vắc xin mới, thời gian tới sẽ tiêm đại trà cho đàn GC.

Một vấn đề rất đáng lo ngại là hiện nay dịch bệnh được khống chế nên trong nhân dân đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, tập quán chăn nuôi gà thả rông, vịt chạy đồng vẫn còn phổ biến nên công tác quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn GC gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hầu hết người nuôi vẫn giữ tập quán mua GC sống, trôi nổi trên thị trường về làm thực phẩm nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng thịt GC tăng mạnh nên nguy cơ dịch bệnh rất cao. Thời tiết chuyển mùa lạnh cũng là điều kiện thuận lợi để virút cúm tồn tại, nếu không có biện pháp phòng chống tốt thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Cùng chung nhận định đó, bà Yuriko Shoji, Trưởng đại diện của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cho rằng, Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn ứng phó khẩn cấp sang giai đoạn xây dựng kế hoạch phòng chống và đối phó lâu dài, bền vững đối với dịch CGC và cúm ở người nhưng virút CGC vẫn tồn tại, chưa hoàn toàn được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, nếu người dân Việt Nam không nêu cao tinh thần cảnh giác thì dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Xây dựng chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống CGC dự phòng đại dịch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi (AIPED) giai đoạn 2011-2015 là rất cần thiết. Mục tiêu của chương trình là giảm nguy cơ lây nhiễm CGC ở người thông qua việc khống chế mầm bệnh tại gốc trong đàn GC nuôi, phát hiện và ứng phó kịp thời với các trường hợp bị lây nhiễm ở người và những hậu quả về y tế khi xảy ra đại dịch. Để khống chế dịch CGC độc lực cao, các địa phương cần tuyên truyền vận động người dân thay đổi phương thức vận chuyển, tiêu thụ GC cũng như thói quen sử dụng GC sống làm thực phẩm; rà soát lại kế hoạch ứng phó với dịch bệnh này, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về CGC và các nguy cơ đại dịch. Bên cạnh đó là nghiên cứu về chủng virút CGC mới và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của các hộ chăn nuôi gia đình để từ đó phối hợp với các đối tác quốc tế đề ra các biện pháp ứng phó dịch CGC và cúm ở người.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho rằng, sắp tới Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức bởi vẫn còn sự lưu hành của virút CGC độc lực cao trên đàn GC trong khi sự quan tâm của cộng đồng và nguồn tài trợ quốc tế đang chuyển dần sang những lĩnh vực ưu tiên khác. Trong thời gian tới, để từng bước khống chế và thanh toán CGC, các địa phương phải nâng cao dịch vụ thú y và huy động nhiều nguồn lực làm tốt các chiến dịch tiêm chủng vắc xin cúm GC; tuyên truyền giúp nông dân thay đổi phương thức chăn nuôi GC để kiểm soát được nguồn lây bệnh. Đồng thời quy hoạch lại ngành chăn nuôi GC theo mô hình khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ để giảm thiểu thiệt hại và ô nhiễm môi trường.

Quỳnh - Dung