Châu Âu: Thêm hai "nạn nhân" của khủng hoảng nợ
Thế giới - Ngày đăng : 07:23, 12/12/2011
Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử quốc gia Slovenia, đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Borut Pahor đã phải hứng chịu thất bại nặng nề khi chỉ giành được 10,54% số phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra tuần trước, giảm mạnh so với tỷ lệ ủng hộ 30,5% ra năm 2008. Trong khi đó, với số phiếu bầu 28,62%, đảng Slovenia Tích cực theo đường lối trung tả đã giành chiến thắng sít sao trước với đảng Dân chủ Slovenia (SDS) theo đường lối trung hữu của cựu Thủ tướng Janez Jansa, được 26,22% phiếu bầu. Đây là cuộc bầu cử trước thời hạn đầu tiên kể từ khi quốc gia này tách khỏi LB Nam Tư năm 1991.
Việc Thủ tướng Borut Pahor buộc phải rời bỏ quyền lực là do các cử tri lo ngại Slovenia sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng nợ như nhiều nước khác trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), mà điển hình là Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia. Từng được coi là hình mẫu thành công của một quốc gia thời hậu Nam Tư (cũ), nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Slovenia bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và rơi vào suy thoái năm 2009. Trong ba năm qua, thất nghiệp tăng gấp 3 lần (hiện gần 12%), nợ công tăng nhanh từ 23,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2007 lên 45,5% GDP năm 2011 và dự kiến hơn 50% GDP vào năm tới. Lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay đã lên tới hơn 7%, mức mà các nhà phân tích tài chính đánh giá là vượt khả năng chịu đựng của một nền kinh tế đang lâm vào suy thoái. Hiện tại Slovenia đang bị đe dọa hạ mức tín nhiệm nợ công với hậu quả sẽ rất nặng nề.
Điều làm nên bất ngờ trong cuộc bầu cử ở Slovenia là chiến thắng không đến với đảng Dân chủ trung hữu đối lập của cựu Thủ tướng Janez Jansa, mà với đảng trung tả mới Slovenia Tích cực của Thị trưởng thành phố Ljubljana, ông Zoran Jankovic, nguyên Chủ tịch tập đoàn siêu thị bán lẻ Mercator lớn nhất nước. Người dân Slovenia tin vào khả năng lèo lái của một trong những người giàu có nhất nước này, cho dù chính quyền mới khó từ chối thực thi hàng loạt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh Châu Âu (EU). Cái khó là đảng của ông Z.Jankovic chỉ giành được 28,5% số ghế trong quốc hội 90 thành viên, nên một liên minh cầm quyền mới được dự báo sẽ gặp nhiều trắc trở.
Còn theo kết quả bầu cử tại Croatia, Liên minh trung tả đối lập Kukuriku, gồm đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và ba chính đảng cánh tả và trung tả, đã giành thắng lợi, chiếm tới 78 trong tổng số 151 ghế tại quốc hội. Trong khi Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ) cầm quyền chỉ giành được 48 ghế. Điều này cho thấy uy tín của liên minh cầm quyền HDZ sụt giảm nghiêm trọng và người dân Croatia không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của liên minh này sau khi xảy ra hàng loạt vụ tham nhũng liên quan đến nhiều quan chức cấp cao. Sau 4 năm cầm quyền, tài sản mà HDZ để lại là một nền kinh tế kiệt quệ với mức sống của người dân liên tục đi xuống và tình trạng thất nghiệp cao (17%). Theo giới phân tích, chính phủ mới của Croatia sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ cực kỳ khó khăn để dẫn dắt nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay.
Có thể nói kết quả bầu cử tại Slovenia và Croatia là một cú "đánh" nữa vào EU giữa lúc cuộc chiến nhằm cứu vãn tương lai của đồng tiền chung euro vẫn còn mờ mịt. Suốt mấy năm qua, Slovenia được coi là mẫu mực trong số những thành viên mới của EU và là thành viên mới đầu tiên tham gia nhóm sử dụng đồng euro. Nay chính đồng tiền này lại trở nên "lợi bất cập hại" bởi phản ứng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng của đồng tiền từng được coi là thành quả của quá trình hợp nhất Châu Âu. Với cử tri Croatia, viễn cảnh bước vào "ngôi nhà chung" trong năm 2013 đang gây nhiều nghi ngại khi họ chứng kiến những gì đang xảy ra với EU hiện nay.