Vấn đề bức xúc
Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 12/12/2011
Vấn nạn xã hội...
PGS. TS Lê Ngọc Văn, Trưởng phòng Nghiên cứu gia đình, Viện Gia đình và Giới cho biết, một nghiên cứu gần đây - do Viện Nghiên cứu người cao tuổi Việt Nam tiến hành tại 6 xã, phường của 3 tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên và Quảng Trị với 600 phiếu khảo sát người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên - cho thấy bạo lực của con cái đối với người cao tuổi là khá nghiêm trọng, gây tổn thương về thể chất, tinh thần và thiệt hại về kinh tế. Có 3% số người cao tuổi được hỏi nói rằng họ bị con cái đánh đập; 8,3% bị đe dọa, nhốt trong nhà và 15% bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc. Nhóm người già, ở cả ba nhóm tuổi 60-69, 70-79 và 80 trở lên đều phải gánh chịu các hình thức bạo lực gia đình do con cháu gây nên ở những mức độ khác nhau. Nhóm người ở tuổi 60-69 bị đánh đập và bị đe dọa, nhốt trong nhà nhiều hơn so với nhóm 70-79 và nhóm 80 tuổi trở lên.
Người cao tuổi cần nhận được sự quan tâm của gia đình và xã hội. Ảnh: Nhật Nam
Bạo lực tinh thần phổ biến tại các địa phương được nghiên cứu là con cái thiếu quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc ốm đau, khi hoạn nạn; mắng nhiếc, cãi vã, xúc phạm, coi thường, không tôn trọng ý kiến của người cao tuổi trong các vấn đề lớn, làm tổn hại đến tinh thần. Số liệu điều tra cho thấy có 33,4% người được phỏng vấn cho biết mình bị con cái chửi mắng, nhiếc móc.
Người cao tuổi bị bạo lực có nguyên nhân kinh tế chiếm 10,9%, chủ yếu rơi vào nhóm không còn sức lao động, không có thu nhập, sống ở nông thôn. Một cụ ông ở Đông Hà, Quảng Trị cho biết: "Những người cao tuổi không có lương bị con cái hắt hủi, không cho ăn uống hoặc con cái, vì lý do nào đó đã trả đũa bố mẹ bằng cách bắt ăn uống theo cách của mình, bố mẹ không ăn được thì đem đổ vào sọt rác". Nhiều người cao tuổi rơi vào tình trạng không có chỗ dựa về kinh tế, bị con cái bỏ rơi. Một cụ bà 90 tuổi ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên tâm sự: "Chồng và con trai tui đã chết, hiện tại tui đang sống cùng con dâu và các cháu nội. Do điều kiện kinh tế và khoảng cách mẹ chồng - nàng dâu, tui thường xuyên bị con dâu mắng nhiếc, không quan tâm chăm sóc. Cô con dâu còn lôi kéo các cháu nội thường xuyên bỏ mặc và không cho tui ăn uống".
Việc con cháu từ chối trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ khiến nhiều người cao tuổi ở nông thôn vẫn phải làm những công việc nặng nhọc như cày bừa, nhổ mạ, chặt cây… vì không lao động thì không có cái ăn và con cháu không cho ăn.
Phải giải quyết triệt để
TS Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu người cao tuổi cho biết, hiện nay, nhiều người trẻ không muốn cha mẹ sống cùng mình. Không ít trường hợp, chưa đến mức thẳng tay đuổi bố mẹ ra khỏi nhà nhưng áp lực từ con cái khiến cha mẹ già phải ra ở riêng. Nhiều người già theo con ra thành phố đang phải chịu đựng áp lực rất lớn. Ví dụ, có cô con dâu đi làm về mệt, thấy hai bà cháu đang ngồi xem ti vi liền tỏ thái độ khó chịu "đến giờ này mà không cắm được nồi cơm!". Có người không chịu nổi những câu nói, hành vi thiếu tôn trọng của con cái nên đã tìm cách quay về quê sống một mình. Điều đáng quan tâm, theo TS Nguyễn Thế Huệ là có rất nhiều hành vi bạo lực đối với người cao tuổi không được phát hiện. Chính quyền, hàng xóm chỉ biết sự thể khi người cao tuổi bị đẩy ra khỏi nhà, bị đánh đập, nguy hiểm đến tính mạng...
Những hành vi ngược đãi người cao tuổi là đặc biệt nghiêm trọng, cần được xử lý để làm gương cho người khác. Theo TS Nguyễn Thị Lan, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, đứng về mặt pháp luật, nếu con cháu gây bạo lực gia đình với người già, mức độ xử lý phụ thuộc vào hậu quả từ hành vi bạo lực. Mức độ nhẹ thì xử lý hành chính, hành vi mang tính hình sự sẽ phải xử lý theo Luật Hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ con cái bạc đãi cha mẹ bị xử lý hình sự còn rất ít, chưa đủ sức răn đe.
Ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi sống ở nông thôn, chỉ có 18,8% sống ở thành thị; 16-17% người cao tuổi có lương hưu và số được hưởng trợ cấp rất ít. Một cuộc điều tra sức khỏe người cao tuổi mới đây cho thấy 95% người già có bệnh, trong đó có khoảng 55% mắc bệnh kinh niên, đau ốm thường xuyên, người già có sức khỏe khá và tốt chỉ chiếm 5,7%. Chính vì vậy, khi bị con cái ngược đãi, người cao tuổi phải chịu hậu quả rất nặng nề vì không có chỗ dựa về vật chất và tinh thần.
Dự báo đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 18% dân số là người cao tuổi và theo thông tin từ Ủy ban quốc gia Người cao tuổi Việt Nam, đến năm 2050, số người cao tuổi chiếm khoảng 30% dân số Việt Nam. Tỷ lệ người cao tuổi tăng lên nhanh chóng trong bối cảnh các mối quan hệ gia đình truyền thống đang trở nên lỏng lẻo đã và sẽ làm cho người cao tuổi trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Việc giải quyết triệt để vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của hệ thống giáo dục, pháp luật, cộng đồng, gia đình và các cá nhân trong xã hội.