Luồng sinh khí mới
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 12/12/2011
Không đạt được đồng thuận sửa đổi Hiệp ước Lisbon để có thể "rộng đường" cho những cải cách ứng phó với khủng hoảng nợ, nhưng sự nhất trí về một Công ước tài chính nhằm siết chặt các quy định về thâm hụt và chi tiêu tại từng quốc gia, cũng như thành lập Quỹ Cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro là kết quả tích cực khẳng định: Châu Âu đã tìm được quyết tâm chính trị mới khi khủng hoảng nợ ngày càng lộ rõ như một thảm họa với Lục địa già.
Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều cảnh báo về nguy cơ "chết yểu" của đồng tiền đại diện cho liên minh chính trị và kinh tế lớn nhất thế giới, lần nhóm họp mới nhất tại kinh đô của Châu Âu hội tụ đầy đủ sự cấp thiết và nóng bỏng. Nếu xét đến thực tế đã có tới 5 cuộc tập hợp tương tự của lãnh đạo khu vực diễn ra từ tháng 3-2011 đến nay mà chẳng đưa ra được đường hướng cụ thể nào mới thấy được tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 chỉ trong chưa đầy một năm đối với sinh mệnh của EU. Do đó, dù được xem là chưa có một kết thúc như mong đợi thì sự kiện ở Brussels đã tạo ra một luồng sinh khí mới cho Châu Âu đang mệt mỏi sau chặng đường gần hai năm sống chung với gánh nợ.
Có lẽ bài học về việc thiếu sự thỏa hiệp như một nguyên nhân khiến từng thành viên của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cứ dần quỵ ngã đã khiến những người nắm quyền quyết định đường đi nước bước tại Cựu lục địa nhận thấy rằng phải có được sự thống nhất để "sửa lỗi" thuộc về hệ thống cho Châu Âu trước khi quá muộn. Vì lẽ đó, ngay sau khi đề xuất triệt để của bộ đôi Merkel - Sarkozy về thay đổi Hiệp ước Lisbon không được các thành viên mặn mà đón nhận, hai nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đã làm trọn vai trò dẫn dắt "cuộc chơi" khi chuyển sang một cơ chế dễ đồng thuận hơn. Đó là sự ra đời của Công ước tài chính. Với các quy định ngặt nghèo về giảm thâm hụt cơ cấu tại mỗi quốc gia thành viên xuống dưới 0,5% GDP, thắt chặt các quy định về quản lý tài chính ở nhiều cấp độ và đặc biệt sẽ tự động trừng phạt các thành viên có mức thâm hụt ngân sách quá 3% GDP. Thỏa thuận mới được hy vọng sẽ tạo một "hàng rào" đủ nghiêm khắc nhằm chấn chỉnh sai phạm ngay từ lúc còn sơ khai. Quyết tâm phải có được một cơ chế quản lý hiệu quả cũng thể hiện rõ ràng trong tính mở của văn bản được ví như một Hiệp định Schengen của Eurozone. Trước sự phản đối của Anh, Hungary và thái độ lưỡng lự của Thụy Điển cùng vài nước khác, thỏa thuận được thông qua với sự ký kết của 17 thành viên Eurozone và sự tham gia tự nguyện của 10 nước EU còn lại.
Cũng trong sự đồng lòng chưa từng có giữa cơn bão nợ, quyết định tạm gác lại mục tiêu nâng sức mạnh của Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) từ 440 tỷ euro lên 1.000 tỷ euro do không nhận được đầu tư từ nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và thay vào đó là Cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM) có quy mô 500 tỷ euro là một đột phá quan trọng. Hoạt động sớm hơn một năm so với dự kiến, bắt đầu từ tháng 7-2012, dự án ESM cho thấy Châu Âu vẫn chưa thôi những nỗ lực tự cứu mình và thực tế đã tạo được công cụ cần thiết có thể để can thiệp khẩn cấp vào các tình huống khủng hoảng. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng tương lai của Eurozone có rất ít màu hồng. Tuyên bố thẳng thừng của Thủ tướng Anh David Cameron "không bao giờ" gia nhập khu vực sử dụng đồng euro và kiên quyết từ chối đặt bút ký thỏa thuận thắt chặt ngân khố để bảo vệ đồng tiền mà nước này không phải là thành viên phản ánh sự thật rằng đồng euro đại diện cho sức mạnh của EU đã mất ít nhiều tính hấp dẫn.
Sẽ là quá tham vọng về một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ đang làm nóng bỏng cả Châu Âu ngay trong mùa Giáng sinh này chỉ trong một cuộc gặp. Cho dù cuộc tập hợp mới nhất tại Brussels vừa kết thúc chưa tìm ra được một giải pháp toàn diện cho Cựu lục địa, song, với những động thái quyết đoán vừa đạt được, dường như Châu Âu đã lần ra lối thoát cho bế tắc hiện nay. Một điều hết sức quan trọng là Eurozone vẫn còn đó và số phận của liên minh tiền tệ rộng lớn này vẫn trong tầm kiểm soát của chính chủ nhân Châu Âu. Cả thế giới vẫn hy vọng vào những nhịp đập mạnh mẽ hơn từ lục địa phồn hoa bậc nhất trên hành tinh trong tương lai gần.