Tăng cường y tế công
Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 12/12/2011
Bất lợi nghiêng về trẻ nghèo
Theo thạc sĩ Đặng Bích Thủy, Viện Gia đình và Giới, kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ mới đây cho thấy, có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ tử vong giữa các nhóm dân tộc và giữa khu vực thành thị với nông thôn. Trẻ em dân tộc ít người đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với trẻ em thuộc các hộ dân tộc Kinh (27 phần nghìn so với 20 phần nghìn đối với trẻ dưới 1 tuổi và 35 phần nghìn so với 25 phần nghìn đối với trẻ dưới 5 tuổi). Tương tự, vùng nông thôn có tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và 5 tuổi cao hơn nhiều so với thành thị.
Bác sĩ Bệnh viện TƯ Quân đội 108 khám bệnh cho trẻ em tỉnh Điện Biên. Ảnh: Yến Ngọc |
Theo kết quả điều tra y tế quốc gia gần nhất, trẻ từ 0 đến 3 tuổi trong nhóm nghèo bị suy dinh dưỡng là 25,6% trong khi tỷ lệ này ở nhóm không nghèo chỉ là 11,8%. Tính theo khu vực, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi mức độ vừa ở đô thị là 24,3%, ở nông thôn là 38,5%; suy dinh dưỡng mức độ nặng ở đô thị 7,8%, ở nông thôn là 16,6%. Trong khi đó, khu vực đô thị lại xuất hiện tình trạng thừa cân béo phì. Tại một số đô thị lớn, bệnh béo phì trẻ em đã ở mức đáng lo ngại. Số liệu về tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các vùng miền cho thấy khoảng cách chênh lệch về vấn đề sức khỏe của trẻ em tương đối lớn. Bốn vùng nghèo nhất là Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 40-54% - gấp trên dưới hai lần so với vùng Đông Nam bộ, nơi có trình độ phát triển kinh tế cao nhất, đồng thời là nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp nhất.
Về tiêm chủng, mặc dù từ năm 1993 đến nay Việt Nam luôn duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt hơn 90%, song tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ cả 6 loại vắc xin chỉ đạt 65,6%. Mặt khác, số liệu về tiêm chủng trong điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ cho thấy sự khác biệt giữa các nhóm xã hội, vùng và khu vực. Trong số 8 vùng lớn của cả nước, Tây Bắc có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ thấp nhất (37,7%), chỉ bằng một nửa so với các vùng khác. Ở vùng này, tỷ lệ trẻ em hoàn toàn không được tiêm chủng lên tới 23%. Tỷ lệ trẻ em các dân tộc thiểu số được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vắc xin rất thấp (35,7%), chỉ bằng một nửa so với dân tộc Kinh (72,2%).
Có nguyên nhân từ chính sách
Cũng theo thạc sĩ Đặng Bích Thủy, chính sách thu một phần viện phí trong các bệnh viện và việc khuyến khích phát triển dịch vụ y tế tư nhân đã bổ sung thêm nguồn lực tài chính cho các bệnh viện, song cũng gây ra hệ lụy không mong muốn mà trẻ em nghèo là đối tượng chịu nhiều tác động bất lợi nhất. Cụ thể, chính sách này làm hạn chế sự tiếp cận của trẻ em nghèo tới các dịch vụ y tế do không có tiền để trang trải chi phí khám chữa bệnh. Mặt khác, nhiều cơ sở y tế có xu hướng lạm thu từ những dịch vụ trả tiền: thầy thuốc chỉ định thuốc và các dịch vụ có thể không thực sự cần thiết đối với người bệnh, đặc biệt là những loại thuốc đắt tiền; lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán kỹ thuật cao, làm tăng thêm gánh nặng chi phí y tế đồng thời nới rộng biên độ bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội, trong đó có trẻ em.
Sự bất bình đẳng về phân bổ bác sĩ và cán bộ y tế giữa khu vực đô thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi kéo theo sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế có chất lượng. Mật độ cán bộ y tế cho thấy rõ sự khác biệt: ở Đồng bằng sông Hồng là cao nhất - 17,1 người/km2, gấp 8,6 lần so với ở Tây Bắc và Tây Nguyên (2 người/km2). Số giường bệnh tính trên 1km2 ở Đồng bằng sông Hồng (19,8) cao gấp gần 10 lần so với ở Tây Nguyên (2,0) và Tây Bắc (2,1). Mặt khác, các cán bộ y tế chuyên môn cao thường tập trung ở các bệnh viện lớn, thành phố lớn, khu vực kinh tế phát triển. Các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế xã, phường thiếu trầm trọng cán bộ chuyên môn. Ở Hà Nội, mỗi huyện trung bình có 31 bác sĩ, ở TP Hồ Chí Minh là 40,4 bác sĩ trong khi ở Lai Châu chỉ có 5,3 bác sĩ. Nhiều cơ sở y tế xã, phường, thậm chí là bệnh viện không có bác sĩ chuyên khoa nhi. Chất lượng cấp cứu và chăm sóc trẻ bị bệnh tại tuyến dưới cũng như trên đường chuyển viện chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để giảm bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em, các chuyên gia y tế cho rằng cần tăng cường hệ thống y tế bằng cách khuyến khích cộng đồng tham gia vào công tác y tế dự phòng; tăng chi phí cho y tế công để người nghèo nói chung và trẻ em nghèo nói riêng có thể được sử dụng các dịch vụ y tế công có chất lượng.