Techcombank được Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor đánh giá triển vọng phát triển ổn định

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:11, 11/12/2011

(HNMO) – Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard & Poor (S&P, Mỹ) vừa công bố mức xếp hạng tín dụng cho 44 ngân hàng thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có 3 ngân hàng của Việt Nam là Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Techcombank.

Kết quả của việc thực hiện xếp hạng tín dụng của tổ chức S&P được thực hiện theo yêu cầu của các ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung trên tòan thế giới để có được sự đánh giá khách quan về hoạt động của tổ chức nhằm hướng đến sự minh bạch và họach định hướng phát triển theo những quy chuẩn của thông lệ quốc tế. Tại Việt Nam tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 3 ngân hàng được đưa vào hệ thống đánh giá của S&P đó là: Vietcombank, BIDV và Techcombank. Trước tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, kết quả đánh giá của S&P trong năm nay cho thấy phần lớn các ngân hàng trên thế giới được xem xét đánh giá đều bị hạ bậc tín nhiệm. Một trong những nguyên nhân là do S&P thay đổi phương pháp đánh giá mới. Theo đó, kết quả đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng của mỗi quốc gia sẽ là một trong những cơ sở quan trọng tác động đến kết quả đánh giá các ngân hàng tại quốc gia đó. Năm 2011, với xu thế khó khăn kinh tế chung, chỉ số đánh giá của Việt Nam bị giảm nên kết quả đánh giá dành cho các ngân hàng họat động tại Việt Nam cũng bị điều chỉnh giảm tương ứng.


Ngân hàng Techcombank (ảnh minh họa)



Trên cơ sở đó, dựa trên nhưng tiêu chí hoạt động của mỗi ngân hàng như: vị thế kinh doanh, cơ cấu vốn và khả năng sinh lợi, mức độ rủi ro, khả năng huy động vốn, thanh khoản, S&P đã hạ mức tín nhiệm dài hạn của 3 ngân hàng Việt Nam xuống 1 bậc, từ mức BB- còn B+ so với năm 2010, trong khi mức tín nhiệm ngắn hạn vẫn duy trì ở mức B. Đặc biệt Techcombank là ngân hàng duy nhất được đánh giá là có triển vọng phát triển ổn định (Stable) trong thời gian từ 6 đến 24 tháng tới.

Phát biểu về kết quả đánh giá của S&P, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho biết: “Là tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín và lớn nhất của thế giới, kết quả đánh giá, nhận xét của S&P cho những hoạt động phát triển của ngân hàng sẽ là một cơ sở rất có gía trị để Techcombank đánh giá được họat động của mình một cách khách quan theo quy chuẩn và quan điểm của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Thêm nữa kết quả đánh giá giúp các ngân hàng Việt Nam thấy rõ rằng trong môi trường kinh tế khó khăn, rất cần có chiến lược và hoạt động quản trị chặt chẽ và phù hợp hơn, riêng với Techcombank sẽ có những điều chỉnh chiến lược nhất định và nỗ lực nhiều hơn để củng cố và nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường quốc tế”.

Để đạt được điểm tín nhiệm cho triển vọng phát triển ổn định trong thời gian từ 6 đến 24 tháng tới, theo nhận xét của S&P, Techcombank đã áp dụng chiến lược “phòng thủ” để bảo đảm an tòan hoạt động, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ ngoại cảnh trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay. Từ nhiều năm qua, Techcombank đã cơ cấu lại nguồn thu, tăng doanh thu từ dịch vụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ các hoạt động tín dụng. Hơn nữa khả năng huy động của Techcombank tốt hơn mặt bằng chung của thị trường, tính thanh khoản ổn định, tỷ lệ dư nợ / huy động ở mức an toàn thanh khoản cao là 66% và nhận được sự đánh giá tốt của các tổ chức quốc tế. Chiến lược “phòng thủ” này sẽ giúp giảm chi phí tín dụng tiềm ẩn, giảm áp lực từ tỉ lệ nhóm vốn chứa rủi ro (risk-weighted capital) khi chuyển hướng sang ưu tiên những tài sản có rủi ro thấp mà có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong giai đoạn khủng hoảng tín dụng này.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn, với tiềm lực mạnh mẽ cùng sự an toàn cao trong hoạt động, Techcombank là một trong số ít các Ngân hàng Việt Nam đã và đang được nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới chọn làm đối tác tại Việt Nam thông qua việc cung cấp những khỏan tín dụng lớn nhằm tăng cường nguồn vốn cho Techcombank để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong hoạt động và phát triển bền vững. Chỉ trong 2 tuần vừa qua, Techcombank đã liên tiếp nhận được các khoản tín dụng trung hạn lên đến 65 triệu USD từ Tổ chức tài chính phát triển của Hà Lan – FMO và Tổ chức Đầu tư và Phát triển của Đức – DEG. Đây cũng là khoản tín dụng lớn nhất mà DEG cam kết trong năm 2011 tại khu vực châu Á và là lần thứ 2 mà FMO cung cấp tín dụng cho Techcombank. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có thêm các khoản vốn đầu tư dài hạn của các tổ chức tài chính uy tín nữa. Điều này cho thấy các tổ chức tài chính quốc tế vẫn tin tưởng và đánh giá cao Techcombank, đặc biệt tiếp tục cung cấp cho Techcombank nguồn tài chính hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, với chiến lược phát triển mạnh mẽ và những kết quả kinh doanh đạt được, trong năm 2011, Techcombank đã nhận được sự đánh giá rất cao từ các tạp chí tài chính quốc tế thông qua 9 giải thưởng lớn như: 3 giải thưởng hàng đầu từ tạp chí Finance Asia và 3 giải từ tạp chí tài chính khu vực Đông Nam Á - Alpha Southest Asia; giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2011” từ tạp chí Asian Banking & Finance; giải thưởng “Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam năm 2011” do tạp chí Asia Money trao tặng và mới nhất là giải thưởng “Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam năm 2011” do tạp chí The Asset trao tặng.

Các đánh giá của Standard & Poor về ngân hàng Techcombank dựa trên các tiêu chí cụ thể

Đánh giá vị thế kinh doanh của Techcombank của Standard & Poor:

Vị thế kinh doanh của Techcombank ở Việt Nam được đánh giá là mạnh với chiến lược chú trọng thị trường bán lẻ cùng hỗ trợ đắc lực của mạng lưới phân phối rộng lớn và nền tảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt. Đội ngũ lãnh đạo của Techcombank được S&P đánh giá là có năng lực thích nghi tốt với những thay đổi ngoại cảnh và đang từng bước vững mạnh. Lãnh đạo đã chọn chiến lược “phòng thủ” bằng cách giảm tăng trưởng tín dụng và phát huy khai thác những tài sản có rủi ro thấp dựa trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. S&P cho rằng Techcombank có được nhiều lợi ích thiết thực từ mối quan hệ hợp tác chiến lược với ngân hàng HSBC (AA-/ổn định/A-1+) thông qua việc chuyển giao kinh nghiệm và nhân sự. Chiến lược mở rộng thị trường miền Nam của Techcombank. Cũng được S&P đặt nhiều kỳ vọng tích cực.

Đánh giá về cơ cấu vốn và lợi nhuận của Techcombank

S&P nhận định cơ cấu vốn và lợi nhuận của Techcombank ở mức yếu, mức cao nhất trong các NH Việt Nam được đánh giá. Tỉ lệ vốn sau khi điều chỉnh cho rủi ro (risk-adjusted capital ratio) sẽ duy trì ở mức 3.5% theo phương pháp của S&P trong 12 đến 18 tháng tới. Chiến lược “phòng thủ” sẽ giảm lợi nhuận thuần do lợi nhuận biên thấp hơn. Tuy nhiên điều này cũng giúp giảm chi phí tín dụng tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong giai đoạn khủng hoảng tín dụng này. Sự chuyển hướng sang ưu tiên những tài sản có rủi ro thấp cũng làm giảm áp lực từ tỉ lệ nhóm vốn chứa rủi ro (risk-weighted capital).

Đánh giá về mức độ rủi ro của Techcombank

Mức độ rủi ro của Techcombank được đánh giá ở mức vừa đủ. Mô hình kinh doanh của Techcombank khá đơn giản, phần lớn doanh thu có từ các sản phẩm cho vay đơn thuần. Mặc dù môi trường kinh doanh vẫn đầy thử thách trong giai đoạn này nhưng chiến lược “phòng thủ” của Techcombank sẽ giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực từ ngoại cảnh. Sự hỗ trợ từ HSBC cũng góp phần nâng cao năng lực của hệ thống quản trị rủi ro và quy trình thẩm định tín dụng của Techcombank.

Đánh giá về nguồn vốn và thanh khoản của Techcombank

Nguồn vốn của Techcombank được đánh giá ở mức trên trung bình và thanh khoản ở mức vừa đủ. Tỉ lệ cho vay trên huy động (loan-to-customer deposit ratio) ở mức 66% là cao hơn mức trung bình của ngành ngân hàng, kể cả đối với các ngân hàng lớn hơn và có hệ thống chi nhánh rộng hơn. Điều này thể hiện những nỗ lực để thu hút tiền gửi và hiệu quả hoạt động của hệ thống chi nhánh của Techcombank. Số lượng và chất lượng của những tài sản “lỏng” (liquid assets) đủ để trả những khoản nợ ngắn hạn. Techcombank hiện nay cũng đang là “chủ nợ” trên thị trường liên ngân hàng.

Q. Anh