Đất học Phong Vân
Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 11/12/2011
Nghèo "tạm thời"
Chúng tôi về Phong Vân vào những ngày chớm đông. Theo con đường nhỏ sạch sẽ, làng quê hiện ra yên bình bên những vườn rau màu xanh tốt. Chủ tịch xã Lê Văn Cường cho biết: Nghèo cái ăn, cái mặc thì còn chịu được chứ nghèo cái chữ, dân tôi không ai chịu đâu. Xã không có nghề, chỉ một số hộ có nghề làm hàng mã, còn lại đều trông chờ vào mấy sào ruộng. Phong Vân nhỏ làng, nhỏ xóm vì thế mà ruộng đồng cũng ít, bình quân chưa tới 300m2 đất nông nghiệp/khẩu. Người dân quay vòng với đủ vụ lúa, vụ khoai, vụ đỗ tương đông… thuận trời thuận đất chỉ đủ no cái bụng. Nghèo nhưng hiếm có nơi nào người dân hiếu học như vậy bởi họ ý thức được rằng chỉ có tri thức mới có thể giúp mình thoát nghèo bền vững.
Trẻ em Phong Vân luôn được gia đình tạo mọi điều kiện để tới trường học tập. |
Người Phong Vân luôn tự hào về tinh thần hiếu học. Năm nào xã cũng có khoảng 55 đến 60 cháu đỗ vào các trường đại học và cao đẳng, trong đó có nhiều em thi đậu với số điểm cao. Có được nếp học ấy là nhờ sự quan tâm đến việc học của con em của từ cán bộ xã đến người dân. Hầu hết con em của lãnh đạo xã đều đỗ đại học, cao đẳng... Ông Cường tự hào cho biết: "Trẻ em ở đây ham học lắm, tuy nhà nghèo, một buổi đi học, một buổi đi phụ giúp bố mẹ kiếm thêm tiền nhưng đứa nào cũng học rất giỏi. Năm nào trong xã cũng có em đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố". Nói đến tinh thần hiếu học ở Phong Vân, người ta thường nhắc đến gia đình ông Ngô Sỹ Liên, Ngô Văn Dũng có 5 người con đều đỗ vào các trường đại học danh tiếng như Bách khoa, Y, Dược… Đến thăm một số gia đình có truyền thống hiếu học tiêu biểu ở Phong Vân, chúng tôi mới thấy được tấm lòng người làm cha làm mẹ ở đây. Dù vẫn chạy ăn từng bữa nhưng họ nhất quyết không để con em thất học, bởi con cái học hành không đến nơi, đến chốn còn hổ thẹn hơn là chuyện thiếu ăn, thiếu mặc. Phương pháp dạy dỗ con cái hiệu quả nhất ở Phong Vân là lấy những tấm gương tiêu biểu, những người con thành đạt của quê hương ở tất cả các lĩnh vực để răn dạy con cháu.
Người thắp lên ngọn lửa
Sau khi giới thiệu nhiều người con quê hương tiêu biểu đang giữ những cương vị lãnh đạo ở huyện với vẻ đầy tự hào, ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết, công tác khuyến học ở Phong Vân ngày càng hiệu quả là do làm tốt khâu "xã hội hóa". Chăm lo cho việc học của con em ở Phong Vân không chỉ có gia đình mà cả họ tộc, doanh nghiệp, xã hội… cùng tham gia, trong đó sự đóng góp của những người con quê hương đi làm ăn xa đặc biệt quan trọng. Nhiều thế hệ đi trước thành đạt đã quan tâm khích lệ tinh thần ham học của thế hệ sau bằng tấm gương về ý chí phấn đấu của mình, đồng thời tích cực ủng hộ cho quỹ khuyến học của xã. Tiêu biểu như ông Nguyễn Mạnh Thản, Giám đốc Công ty CP Ao Vua, ngoài nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông rất quan tâm đến công tác khuyến học ở địa phương. Bao năm bươn chải vất vả, lăn lộn trên thương trường, ông hiểu học là cái gốc để con người ta vươn lên. Vì vậy, hằng năm ông đều ủng hộ vài trăm triệu đồng cho quỹ khuyến học của quê nhà và tổ chức đưa giáo viên, học sinh trên địa bàn xã đi báo công ở Lăng Bác, K9 để khơi gợi lòng tự hào của thầy và trò. Mỗi khi Tết đến xuân về, gia đình ông Thản còn tặng hàng trăm suất quà cho hộ nghèo, người có công ở xã để động viên nhân dân. Ngoài ra, ông còn hiến đất, xây nhà văn hóa cho thôn, hỗ trợ một nguồn kinh phí lớn xây dựng tôn tạo các công trình di tích, đình, chùa… để giúp người dân có chỗ hội họp và sinh hoạt. Nhờ sự quan tâm động viên, khích lệ của chính quyền và sự chung tay giúp sức "vô điều kiện" của ông Thản cùng nhiều người con quê hương khác mà tinh thần hiếu học ở đây luôn được thắp sáng. Khi được hỏi về tấm lòng của mình, ông Thản nói rất giản dị: "Tôi làm tất cả những điều đó không chỉ là để tri ân mảnh đất nghèo đã nuôi dưỡng mình trong bao năm gian khó, mà cái chính là để những người khó khăn hơn mình tự tin bước ra khỏi lũy tre làng". Không riêng gì ông Thản, các bậc cha mẹ ở đây đều nhận thức rằng, việc đầu tư cho con cái chăm ngoan, học giỏi không chỉ là niềm tự hào mà là trách nhiệm, là một cuộc đua không có điểm dừng ở đây. Và những người con sau khi đỗ đạt đều thấy rõ việc chung tay xây dựng quê hương không chỉ là một niềm tự hào cá nhân, là nghĩa cử cao đẹp mà là mệnh lệnh, là trách nhiệm. Vì thế mà bộ mặt xã Phong Vân ngày một thêm trù phú, khởi sắc.