Vun đắp những mầm non văn học

Văn hóa - Ngày đăng : 07:05, 11/12/2011

(HNM) - Đối với bất cứ nền văn học nào, sự xuất hiện những mầm non văn chương thực sự là một niềm hạnh phúc. Cho dù là những tài năng lớn nhưng ngoảnh lại phía sau mà chẳng thấy ai tiếp bước thì cũng thật đáng buồn.

Không dám khẳng định ngay là chúng ta đã có một lớp những cây bút măng non kế tiếp con đường "văn dĩ tải đạo", nhưng thử nhìn qua một vài hiện tượng xuất bản gần đây để cùng "bàn" thêm câu chuyện này…

Những tác giả tuổi "teen"

Có thể những tác giả tuổi "teen" ở giai đoạn nào cũng có, nhất là gần đây khi báo chí phát triển, giúp công bố nhiều truyện ngắn, bài thơ đầu tay của các tác giả nhỏ tuổi. Song từ những mẩu chuyện thi thoảng trên mặt báo, đến việc xuất bản một cuốn sách là hai việc khác nhau. Không thể phủ nhận, trong làng xuất bản hôm nay đã xuất hiện những tác phẩm của những cây bút còn rất nhỏ tuổi. Sôi nổi và thu hút giới truyền thông nhất là cuốn tiểu thuyết "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" (NXB Trẻ) của cậu bé Nguyễn Bình, 10 tuổi, học tiểu học ở Hà Nội. Lớn hơn một chút, tác giả Nguyễn Hoàng Trâm Anh - 12 tuổi với tập truyện, tản văn "Thư gửi người thiên cổ" và Đan Thi cũng 12 tuổi, vừa ra mắt tập truyện "Nụ cười của thiên thần". Hai cuốn sách của hai cô bé này đều do một tay "bà đỡ" NXB Hội Nhà văn ấn hành. Mới đây nhất, NXB Kim Đồng cũng công phu cho ra mắt hai tập thơ của hai cây bút Ngô Gia Thiên An và Đặng Chân Nhân. Trong đó, Ngô Gia Thiên An mới 12 tuổi và Đặng Chân Nhân ở tuổi 17, nhưng kỳ thực đã "nổi" từ thủa niên thiếu khi làm thơ từ năm lên 8 và đã có tập thơ thứ 3. Rồi mới đây, từ Philippines, cô bé Mai Clara - một học sinh THCS, con gái nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cũng đã hoàn thiện bản thảo truyện dài "Mun ơi! Chạy đi", chuẩn bị xuất bản tại Việt Nam.

Tác giả trẻ 12 tuổi Đan Thi.

Có thể nói, phần nhiều các tác giả này đều làm quen với việc viết lách từ rất sớm, nhiều bạn là cộng tác viên của những tờ báo dành cho thiếu niên, nhi đồng, hoặc từng được ghi nhận với các giải thưởng như Cây bút tuổi hồng…Vừa qua, Vũ Hương Nam (13 tuổi) ở Đăk Lăk-người đoạt giải Cây bút tuổi hồng 2010 (do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) đã tiếp tục khẳng định mình với giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi 2010-2011 do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội, NXB Kim Đồng tổ chức.

Các tác giả này có thể được sinh ra trong một môi trường mà cha, mẹ là những người cầm bút như Đặng Chân Nhân, Nguyễn Bình, Mai Clara, Vũ Hương Nam… song cũng có thể trong gia đình chẳng ai dính đến nghiệp văn chương như Nguyễn Hoàng Trâm Anh. Và rõ ràng, sân chơi văn học ngày một nhiều, cũng như hoạt động xuất bản mở rộng đã khiến tác giả nhỏ ra sách nhiều hơn. Năng khiếu văn chương và tài năng thiên bẩm có nhiều cơ hội để bộc lộ hơn.

Nhưng đúng như tâm tư của nhà văn Tạ Duy Anh, người trực tiếp biên tập cho một số tác phẩm của các tác giả nhỏ thì "cùng với nỗi vui mừng cứ nhen lên trong tôi một nỗi lo lắng mơ hồ". Bởi lẽ các tác giả thì vẫn còn nhỏ tuổi mà con đường văn chương thì xa tít mù tắp…

Vun đắp cho ông thần "sáng tạo"

"Vỏ ốc diệu kỳ" của Vũ Hương Nam thuyết phục Hội đồng chung khảo Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi 2010-2011 là ở chính khả năng tưởng tượng thú vị và thông điệp nhân văn sâu sắc của tác phẩm. Thậm chí yếu tố tưởng tượng đậm chất trẻ thơ trong tác phẩm đã trở thành "luận chứng" sắc sảo để khẳng định bản quyền của tác giả. Chả là Vũ Hương Nam là con gái nhà văn Nguyên Hương (người từng giành giải nhất cuộc vận động này năm trước). Nghi án về việc đánh tráo tác giả đã bị loại bỏ vì theo nhà văn Lê Phương Liên, Ủy viên Hội đồng chung khảo thì "Nguyên Hương không thể viết được như vậy. Người lớn nhiều khi không thể bắt chước được suy nghĩ của trẻ thơ".

Dễ nhận thấy trong nhiều tác phẩm đoạt giải của cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi các năm trước, yếu tố giả tưởng rất đậm đặc. Nó khiến cho những câu chuyện trở nên vô cùng sinh động và mới mẻ. Bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam-Đan Mạch chia sẻ rằng: "Phương pháp giả tưởng thúc đẩy sự sáng tạo, nuôi dưỡng lối tư duy trẻ thơ trong trẻo, bất ngờ. Trong đó 1+1 có thể không phải bằng 2 và mặt trời có thể không phải màu đỏ".

Quả thực, nói điều này để liên tưởng tới việc chăm chút cho các mầm non văn học. Làm sao để mỗi trang viết qua mỗi ngày có chiều sâu hơn mà lại không mất đi "phép thuật" của ông thần sáng tạo. Làm sao ngòi bút của các em giữ được sức mạnh của trí tưởng tượng… Sâu xa hơn, như nhiều người tham dự hoặc chứng kiến Hội nghị Văn trẻ toàn quốc từng mong muốn là, trong bể tài năng văn chương rộng lớn ấy, người ta không thấy ai dẫm lại dấu chân ai. Và mỗi người phải là "một lĩnh xướng tài hoa" của cá nhân mình.

Hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam và TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình hợp tác nhằm phát hiện, bồi dưỡng các cây bút nhỏ. Nhiều tờ báo, đơn vị xuất bản cũng có cách riêng để chăm chút các tài năng văn học bằng cách tổ chức các cuộc thi, sinh hoạt văn chương thường kỳ. Cơ hội về nhiều mặt đối với các cây bút nhỏ hôm nay rõ ràng là có thật, nhưng đường văn chương rõ ràng là xa tít tắp. Các em sẽ tỏa sáng thế nào một phần cũng phụ thuộc vào sự vun đắp của chúng ta hôm nay.

Thi Thi