Ai đúng, ai sai?

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:05, 11/12/2011

(HNM) - Chuyện nhiều hộ dân tổ 20, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) ồ ạt xây dựng nhà không phép trên phần đất nhà còn lại sau giải phóng mặt bằng phía mặt tiền phố Trần Quốc Hoàn đang là điểm nóng dư luận thời gian gần đây. "Bên nguyên"- những người khiếu nại tổ 23 - nói phải; "bên bị" số hộ xây dựng không phép nói riêng, các hộ dân tổ 20 nói chung - nói… có lý. Nút thắt của toàn bộ câu chuyện này ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai?


Bức xúc của một số hộ dân tổ 23

Đường Trần Quốc Hoàn được triển khai xây dựng từ năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ba "nút thắt" trên tuyến đường này là điểm đầu ngã tư Trần Quốc Hoàn - Phan Văn Trường, khu vực đối diện Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và khoảng 200m thuộc tổ dân phố 20. Mới đây nhất, một số hộ dân tổ 20 đã xây dựng không phép trên phần diện tích nhà còn lại sau giải tỏa.

Đường Trần Quốc Hoàn vừa được giải phóng mặt bằng...

...đã bị nhiều hộ dân xây nhà trái phép trên vỉa hè. Ảnh: An thanh

Trong đơn gửi HĐND quận Cầu Giấy, ông Nguyễn Tiến Huề (số nhà 11 B10, khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội, thuộc tổ 23, phường Dịch Vọng Hậu) đề nghị cưỡng chế việc xây dựng nhà trái phép trên vỉa hè, giải phóng mặt bằng toàn diện để xây dựng đường Trần Quốc Hoàn. Những bức xúc của ông Huề xuất phát từ việc ngày 18-9-2011, ông "phát hiện thấy nhiều hộ dân tổ 20 ồ ạt xây nhà trái phép trên vỉa hè phía nam đường Trần Quốc Hoàn, đoạn từ ngã tư phố Phan Văn Trường đến cổng sau Đại học Sư phạm Hà Nội". Cũng trong đơn, ông Huề cho biết, sau đó UBND phường Dịch Vọng Hậu đã đình chỉ việc xây dựng nhà trái phép của các hộ dân nói trên. Tuy nhiên, đến ngày 12-11-2011, các hộ dân tổ 20 lại bất chấp pháp luật, tiếp tục ngày đêm dùng máy trộn bê tông tươi, ngang nhiên đổ móng, sàn nhà. "Chúng tôi đã rất nhiều lần gọi điện cho Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, ông Trần Việt Hà; Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, ông Nguyễn Quang Hồng, nhưng phường chỉ cho lực lượng chức năng đến nhắc nhở. Lực lượng đi khỏi, các hộ dân lại tiếp tục thi công, bất chấp lệnh đình chỉ của chính quyền" - ông Huề cho biết.

Bức xúc là tâm trạng chung của những hộ dân khác thuộc tổ 23 như ông Nguyễn Văn Đích (21-B10), Đinh Văn Đức (26-B10)… Họ cho rằng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu đã hứa "sẽ đình chỉ và cưỡng chế ngay việc xây dựng nhà trái phép, cử lực lượng thanh tra việc xây dựng nhà trái phép" nhưng chỉ "đình chỉ" mà "chưa cưỡng chế, tháo dỡ lều bạt, nhà tạm, móng, cọc sắt kiên cố"…

Lời trần tình của Chủ tịch UBND phường


Chín hộ dân xây nhà không phép nói riêng, 46 hộ dân tổ 20 nói chung nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng đường Trần Quốc Hoàn - gọi là đường Tô Hiệu kéo dài trước đây, hầu hết bị "giải tỏa một phần", tức là vẫn còn lại một phần diện tích căn nhà mà trước đó họ đã sinh sống, dao động từ 14,8m2 (một hộ) đến 34,2m2. Ông Nguyễn Quang Hồng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho hay rất thông cảm với người dân tổ 20:

- Tôi đã tiếp thu phản ánh của các hộ dân tổ 23 nhưng nhà tái định cư chưa có, đi thuê thì đắt đỏ, một số hộ dân tổ 20 bức xúc, lại nghĩ đơn giản đất còn lại của mình thì xây.

Lý giải chuyện bỗng dưng 9 hộ đã đổ móng, ép cọc, thậm chí có hộ đã xây lên đến 2m, ông Hồng nói:

- Người dân che bạt kín, phường không kiểm soát hết. Trước mắt, chúng tôi đã đình chỉ thi công, yêu cầu các hộ vi phạm giữ nguyên hiện trạng. Hiện tại, phường bố trí một tổ công tác đặc biệt để giữ hiện trường gồm công an, thanh tra xây dựng…

Trong khi khẳng định trong số người vi phạm không có cán bộ chính quyền địa phương, ông Hồng đồng thời cho rằng các hộ xây dựng không phép không hề lấn chiếm vỉa hè đường Trần Quốc Hoàn (theo quy hoạch) mà chỉ sử dụng phần diện tích đất còn lại sau giải phóng mặt bằng. Cũng theo ông Hồng, hầu hết các hộ bảo đảm diện tích theo quy định của UBND thành phố, vì vậy không thể xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo mà Hà Nội đang nỗ lực dẹp bỏ.

Tình cảnh người dân tổ 20

Ông Nguyễn Ngọc Đoàn, năm nay 72 tuổi, đã 11 năm làm tổ trưởng tổ 20, cũng là một trong số 46 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng đường Trần Quốc Hoàn. Ban đầu, diện tích nhà ông Đoàn là 65,5m2, sau giải tỏa còn 25m2. Hiện tại, ông bà đang "tạm cư" ở nhà cô con gái út.

Trong phần diện tích ngôi nhà (số 233 Trần Quốc Hoàn) còn lại 18m2, bà Lương Thị Thêm tranh thủ bán hàng nước. Mặt rầu rầu, bà bảo: ở thế sống cũng khổ mà không biết bao giờ được cấp phép xây dựng.

Trong khi đó, bà Trần Thị Loan (số 279 Trần Quốc Hoàn) lại phờ phạc vì nhiều lẽ: Tiền hỗ trợ "tạm cư" mỗi khẩu được 500 nghìn đồng, nhà bà bốn khẩu được 2 triệu đồng, đi thuê tốn 3,5 triệu đồng. Lương công nhân bà được hơn triệu đồng mỗi tháng, lo chạy ăn, chạy tiền nhà... mướt mồ hôi.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Hồng cho hay phường đang đề nghị hỗ trợ tiếp tiền tạm cư cho các hộ dân tổ 20. Đại diện 46 hộ gia đình, ông Đoàn bày tỏ, hầu hết đều gặp nhiều khó khăn, mong muốn giữ lại mảnh đất còn lại, vì vậy nguyện vọng hiện tại của các hộ dân là được phép xây dựng.

Tết Nguyên đán đã cận kề. Trước mắt 46 hộ gia đình tổ 20 là muôn vàn nỗi lo: Giá thuê nhà đắt đỏ, số phận diện tích nhà còn lại vẫn bấp bênh, nhiều gia đình còn đang "ly tán tạm thời"- chồng một nơi vợ một nẻo do "phân công" cùng với con đi ở nhờ…

(Còn tiếp)

Trung Hưng - Ngọc Thanh