Bình mà chưa... ổn!

Kinh tế - Ngày đăng : 08:09, 10/12/2011

(HNM) - Năm 2011, phục vụ yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ xác định là quản lý chặt chẽ giá cả thị trường.

Để bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, Nhà nước đã phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó riêng thành phố Hà Nội gần 500 tỷ đồng. Song thực tế cho thấy, chính sách này vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Ngay trong Tháng khuyến mại vừa qua, được quảng bá rầm rộ thế mà tại một số điểm bán hàng bình ổn giá ở Hà Nội, giá một số mặt hàng bình ổn thậm chí còn cao hơn giá thị trường tới 10%, làm cho người tiêu dùng bức xúc, không hài lòng.

Dư luận phải đặt ra câu hỏi về sự bất ổn của hàng bình ổn và vai trò của cơ quan quản lý. Dường như có chuyện, chủ trương thì là hợp lý nhưng cách thực hiện lại đang đi sai hướng. Giải thích của lãnh đạo Sở Công thương do doanh nghiệp phải chuẩn bị hàng hóa lúc giá cao, khi bán ra giá lại xuống, hoặc hàng bình ổn bán ở siêu thị, trung tâm thương mại phải chịu nhiều chi phí... chưa thật sự thuyết phục. Việc tiền hỗ trợ đang chỉ được "rót" tới một số ít doanh nghiệp việc bán hàng bình ổn giá (trong đó có việc tổ chức nhiều đợt khuyến mại, giảm giá...) chưa đến được với số đông người tiêu dùng, mới chỉ tập trung ở khu vực đô thị mà "bỏ quên" khu vực nông thôn... khiến thị trường tồn tại tình trạng hai giá, tạo nên hiện tượng đầu cơ, vét hàng bình ổn để bán lại với giá cao hơn, ăn chênh lệch... chưa đạt được mục tiêu mà chính sách bình ổn giá đề ra.

Thực tế cho thấy, giá cả thị trường đang phải "gánh chịu" những yếu tố "phi giá cả" như tình trạng đầu cơ, sự tắc nghẽn của hệ thống phân phối và trong nhiều trường hợp là sự can thiệp không đúng mức của các cơ quan chức năng, khiến cho nó bị méo mó đi. Người nội trợ đã quá quen với việc mớ rau, lạng thịt hôm trước một giá, hôm sau một giá vì lý do giá điện, xăng... tăng (!). Đó là thói quen vô lý! Tăng giá không phải chuyện thích là tăng, có tăng thì lý do cũng phải có sức thuyết phục, nhất là với những yếu tố cấu thành giá. Càng không thể vì lý do doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh bị lỗ mà đẩy giá lên một cách tùy tiện, bắt người dân phải "gánh" chịu. Các cơ quan quản lý phải có những cơ chế chính sách điều hành rõ ràng, phù hợp; về phía doanh nghiệp cũng phải thực hiện việc công khai minh bạch trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì giá cả thị trường mới ổn định được.

Người Tiêu Dùng