Quản lý chất thải y tế: Còn nhiều bất cập

Xã hội - Ngày đăng : 08:06, 10/12/2011

(HNM) - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày các cơ sở y tế trên địa bàn thải ra khoảng 14 tấn chất thải rắn y tế và một khối lượng lớn nước thải. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn thải nguy hại này đang còn nhiều bất cập.

Kiểm soát không xuể

Theo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP, hiện chỉ có các bệnh viện là có chuyển giao rác thải y tế cho công ty xử lý. Riêng rác thải y tế của hơn 7.000 phòng khám đa khoa, cơ sở y tế tư nhân thường đổ chung với rác thải sinh hoạt. Đây là vấn đề chưa thể thống kê, kiểm soát được.

Cũng như các địa phương khác, việc xử lý chất thải rắn y tế ở TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn do Nhà nước đảm trách với công nghệ xử lý duy nhất sau phân loại tại nguồn là đốt tiêu hủy. Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng cũng thải khoảng 500-1.000 tấn rác/ năm. Tuy nhiên, tình trạng quản lý nguồn phát sinh chất thải y tế còn nhiều bất cập, đặc biệt là khối y tế ngoài công lập chưa được xử lý triệt để, dẫn đến một số trường hợp còn được đem tiêu thụ ngoài thị trường.

Sở Y tế cho biết, tính đến tháng 11-2011, trên địa bàn TP có 34 bệnh viện tư nhân, 292 phòng khám do các doanh nghiệp quản lý và hàng nghìn phòng mạch do cá nhân quản lý. Mặc dù các bệnh viện tư nhân đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng qua kiểm tra có đến 19/34 đơn vị có hệ thống xử lý nước thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế (QCVN 28:2010/ BTNMT). Trong số này phải kể đến các bệnh viện như Mắt Sài Gòn, Đa khoa Ngọc Linh, Chuyên khoa Minh Anh, Quốc tế Columbia Asia… Nguồn thải không đạt chất lượng này ảnh hưởng thế nào đến môi trường xung quanh đến nay vẫn là câu hỏi treo dành cho các nhà quản lý.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nêu thực trạng hầu hết các phòng khám tư nhân không có hệ thống xử lý nước thải. Thông tư số 07/2007/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, y dược cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân chỉ quy định các phòng khám tư nhân phải "bảo đảm các điều kiện xử lý chất thải và vệ sinh môi trường". Do đó, khi cấp phép mới, cấp đổi, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các phòng khám tư nhân, Sở Y tế không có yêu cầu cụ thể về hệ thống xử lý nước thải.

Bất cập với lò đốt rác thải

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), ở nước ta, trong khoảng 95% rác thải y tế được thu gom chỉ có 70% được xử lý bằng phương pháp đốt trong các lò đốt. Công nghệ đốt đang được áp dụng phổ biến nhưng thường chỉ có các lò nhỏ, chưa có hệ thống xử lý khí thải nguy hại. Điều này dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là các chất khó phân hủy (POPs), chất nguy hại cho sức khỏe, chất gây ung thư như dioxin, furan... Ngoài ra, chi phí đốt rác thải hiện khá cao, khoảng 80.000 đồng/kg rác thải bệnh viện và thông thường rất ít bệnh viện có thể thải ra đủ công suất đốt của lò nên sau vài ngày mới thực hiện tiêu hủy một lần. Mỗi lần như vậy lại phải tiến hành quy trình đốt lại từ đầu, tiêu tốn nhiều năng lượng do đốt không liên tục trong khi chi phí này không được tính vào viện phí.

Vẫn theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, thời gian qua một số bệnh viện đưa vào sử dụng một số công nghệ xử lý rác y tế như lò đốt, xử lý bằng nồi hấp, tiệt trùng bằng hóa chất, công nghệ lò vi sóng hoặc bằng công nghệ sinh học khác, với mong muốn loại bỏ những đặc tính nguy hiểm như lây nhiễm, truyền bệnh để biến chúng thành rác thải thông thường và có thể xử lý giống như các loại rác phổ thông. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao nên mô hình này chưa được nhân rộng nếu không có sự tài trợ.

Dự kiến đến năm 2020, mỗi ngày TP phát sinh trên 40 tấn chất thải rắn y tế và hàng nghìn mét khối nước thải ngày đêm được xả ra môi trường. Do vậy, nếu không quản lý tốt nguồn thải nguy hại này sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Trà My