Lắng lại để mạnh bước
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 10/12/2011
Không phải ngẫu nhiên các vấn đề liên quan đến TĐKTNN lại được dư luận quan tâm đến thế. Thực tế, sau khi xảy ra "sự cố Vinashin" đã có những đánh giá, nhìn nhận có phần cực đoan về vai trò của TĐKTNN. Hiện tại, ở Việt Nam có 12 TĐKTNN đang hoạt động, với nguồn vốn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Về cơ bản các TĐKTNN đã giữ được vai trò trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt ở những lĩnh vực quan trọng. Điều này càng khẳng định sự tồn tại tất yếu của vai trò kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước không thể phủ nhận thì trong quá trình hoạt động các TĐKTNN còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về phương hướng, mô hình hoạt động và hiệu quả đầu tư. Hoạt động của TĐKTNN song hành với lãng phí và tốn kém, thậm chí với mức độ ngày càng nặng nề... mà điển hình là Tập đoàn Vinashin.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước tổ chức ngày 8-12, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện hoạt động thiếu hiệu quả ngay trong lĩnh vực chính của mình. Quá trình sắp xếp, đổi mới tại các doanh nghiệp này, phần vì khủng hoảng kinh tế, phần vì chỉ đạo thiếu quyết liệt nên đã có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây...
Đầu tư và quản lý đầu tư của các TĐKTNN kém hiệu quả không chỉ khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, mà còn làm tăng nhiều hệ quả tiêu cực như: Tăng sức ép lạm phát trong nước; mất cân đối vĩ mô, trong đó có cân đối ngành, sản phẩm, cán cân xuất - nhập khẩu, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và tích lũy - tiêu dùng... Thậm chí, gánh nặng nợ nần của một số TĐKTNN cùng với những mập mờ trong cơ chế hạch toán kinh doanh và trả nợ còn làm giảm uy tín quốc gia, hạ thấp điểm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tín dụng quốc tế, gây tổn thương hình ảnh đất nước.
Vì sao có nhiều ưu đãi, nhiều cơ hội tiếp cận những nguồn lực khan hiếm, cơ chế cởi mở nhưng hiệu quả sinh lợi của một số tập đoàn hiện nay không tương xứng tiềm lực ấy? Có lãi giả lỗ thật hay không? Đổ vỡ thì trách nhiệm của các lãnh đạo tập đoàn như thế nào? Vấn đề độc quyền nhà nước, độc quyền doanh nghiệp nên nhìn nhận ra sao? Những câu hỏi ấy đang là vấn đề dư luận quan tâm. Các kết luận sau hội nghị này đang được chờ đợi như là hướng mở cho các bước đi tiếp theo trong cụ thể hóa nhiệm vụ tái cơ cấu nội bộ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Những thương hiệu như PVN, EVN, VNPT, Vinashin… rất có thể sẽ cần nhiều hơn nữa thời gian để tìm được vị trí và chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới nếu không biết phát triển với nền tảng và nguồn lực đang có.
Tái cấu trúc và đổi mới cơ chế quản lý TĐKTNN để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, tạo động lực tích cực phát triển các thành phần kinh tế khác đang và sẽ còn tiếp tục là vấn đề bức xúc. Lúc này, lắng lại một chút, để có được những đánh giá thật sự chính xác về điểm mạnh, điểm yếu của mô hình TĐKTNN là cần thiết với cả chủ sở hữu là Nhà nước và với chính các tập đoàn, từ đó sẽ có bước tiến mạnh mẽ hơn.