Năm 2012: Tăng gấp 3 lần kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn

Chính trị - Ngày đăng : 11:08, 09/12/2011

(HNMO)- Tiếp theo nhóm vấn đề giao thông, cũng trong sáng nay (9/12), nội dung chất vấn thứ hai tại kỳ họp thứ ba HĐ NDTP khoá XIV tập trung vào nhóm vấn đề: lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động mất việc làm, chất lượng đào tạo nghề, chậm nộp bảo hiểm xã hội…


Trả lời các câu hỏi của đại biểu, ông Nguyễn Đình Đức, GĐ Sở Lao động Thương binh Xã hội cho biết, trong năm 2011 đã có 844 DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng luật sư hoàn tất thủ tục giải thể, phá sản (tính đến 31/11/2011), trên tổng số 95.000 DN đang hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Số lao động thất nghiệp trên địa bàn TP đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp là 15.425 người (tính đến ngày 25/11/2011), gấp trên 4 lần so năm 2010.

Việc triển khai dạy nghề cho các lao động nông thông đang phát huy hiệu lực và thể hiện tinh thần nghiêm túc


TP đã chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN và người lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm cho 14.056 người lao động thất nghiệp với kinh phí 72,6 tỷ đồng. Triển khai công tác đào tạo dạy nghề với trên 260 cơ sở dạy nghề, hàng năm đào tạo, dạy nghề cho 140.500 người với 3 cấp trình độ, có trên 80% lao động sau học nghề tìm được việc làm. Năm 2011 ngân sách TP bổ sung 75 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ, các hộ gia đình mở rộng sản xuất thu hút thêm lao động địa phương, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 23.000 lao động.

Việc triển khai dạy nghề cho các lao động nông thông đang phát huy hiệu lực và thể hiện tinh thần nghiêm túc. Cho đến nay chưa phát hiện có trường hợp nào có đăng ký mà không đi học, vẫn được trả tiền và nhận chứng chỉ. Ông Đức khẳng định: “Với cách làm chặt chẽ, kiểm tra giám sát thường xuyên, có sự phối kết hợp quản lý, hiện tượng này sẽ hạn chế đến mức tối đa”

Trong năm 2012, TP đặc biệt ưu tiên giành nguồn lực để triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn, dự kiến bố trí trên 80 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2011), dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho 140.000 lao động.

Trong phần tái chất vấn, đại biểu (ĐB) Lê Văn Thành nêu câu hỏi trong năm 2012, TP có những biện pháp cụ thể nào hỗ trợ kịp thời các DN vượt qua khó khăn, đặc biệt là “dàn xếp” lãi suất vay của ngân hàng đối với DN hiện nay là khá cao. Ông Nguyễn Đình Đức cũng đồng tình với nhận định này khi cho rằng chính mức lãi suất cao đã gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên, chính sách cho vay thuộc về công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ. TP đã và sẽ tiếp tục đưa ra kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ở một số lĩnh vực.

Về nội dung chất vấn liên quan đến nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND TP nêu thực trạng có 2.891 đơn vị chậm nộp BHXH với số tiền nợ trên 880 tỷ đồng, bao gồm cả DN Nhà nước và DN ngoài Nhà nước. Các đơn vị này tập trung chủ yếu tại các DN thuộc ngành giao thông, xây dựng cơ bản, cơ khí, dệt may.... Trong đó, số nợ từ 3-6 tháng là 168,4 tỷ; nợ từ 6-12 tháng là 260,8 tỷ và nợ trên 12 tháng là 353,7 tỷ đồng.

Một phiên xét xử DN nợ BHXH

Trong 10 tháng đầu năm 2011, TP đã thực hiện kiểm tra 179 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội về việc chấp hành, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, trong đó: đã đề nghị đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp cho 2360 lao động thuộc diện phải tham gia; thu hồi 42.943.763 đồng của 2 đơn vị do truy thu thiếu tiền BHYT của 59 lao động.

Đoàn Thanh tra liên ngành thực hiện thanh tra tại 74 đơn vị sử dụng lao động, sau khi kiểm tra đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 10 đơn vị vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT với tổng số tiền phạt đã nộp cho Ngân sách Nhà nước là 47.950.000 đồng. Đồng thời, trong 10 tháng đầu năm BHXH TP đã hoàn thành thủ tục và khởi kiện 24 đơn vị nợ ra Tòa và có 3 đơn vị đã xét xử

ĐB Nguyễn Thị Xuân Nữ tái chất vấn về vấn đề BHYT cho trẻ em từ 0-6 tuổi: ‘Hiện nay, dư luận cho rằng việc cấp thẻ cho trẻ chậm, tỷ lệ trẻ được cấp thẻ chưa cao. TP chỉ rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Đặc biệt, với những trẻ em đã tròn 6 tuổi, hết thời gian sử dụng thẻ nhưng chưa vào thời điểm học lớp 1 nên không được hưởng BHYT. TP sẽ xử lý như thế nào và nên có hỗ trợ nốt khoảng thời gian này cho trẻ không?”

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, về phía UBND TP đã giao quyền và cấp kinh phí đầy đủ cho các đơn vị thực hiện, yêu cầu phải đạt mức cấp thẻ 100% cho trẻ từ 0-6T. Hiện trạng như đại biểu Nữ phản ánh, số trẻ chưa được cấp thẻ đều nằm trong những trường hợp hết sức đặc bịêt, có thể do gia đình, nhà trường hợp chưa làm. Về việc hỗ trợ nốt kinh phí khám chữa bệnh cho các trẻ đã tròn 6 tuôỉ nhưng chưa vào lớp 1, TP sẽ xem xét, chỉ đạo vì nội dung này nằm ngoài quy định của Luật.

T.Hoa