Công trình chờ kinh phí

Xã hội - Ngày đăng : 08:58, 09/12/2011

(HNM) - Ngoài một xã điểm nông thôn mới (NTM) của Trung ương, ba xã điểm NTM của TP Hà Nội, còn có 15 xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình NTM tại 15 huyện, thị xã.

Theo kế hoạch, thời gian đầu tư trong vòng ba năm, từ 2010 đến 2012. Tuy nhiên, đến nay, đã gần hai năm trôi qua, kết quả thu được còn rất ít ỏi. Không ít người cho rằng, nếu tiếp tục triển khai với tốc độ như hiện nay, đến 2015 mô hình NTM thí điểm của các huyện, thị xã chưa chắc đã hoàn thành.

Làm đường giao thông, xây dựng NTM ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất. Ảnh: Minh Phú

Tiến độ "rùa"

Về xã Đại Đồng, mô hình điểm NTM của huyện Thạch Thất, đường làng dẫn vào UBND ngổn ngang đất cát, vật liệu người dân đang đào đắp cống rãnh để đổ bê tông. Những tưởng quá trình xây dựng NTM ở đây đang diễn ra hết sức khẩn trương, gấp gáp, nhưng tìm hiểu thì được biết, sau gần hai năm triển khai, đây mới là những công trình… đầu tiên. Bà Vũ Thị Tâm, ở xóm Hàn Chùa thật thà: "NTM ở đây mới được mỗi cái điện lưới nâng cấp, khỏe hơn trước và bây giờ là con đường này thôi". Còn ông Vũ Bá Liên, nhà gần cổng UBND xã cho biết, gia đình có 4 sào ruộng, vẫn cấy 2 vụ lúa/năm, vụ đông thì bỏ, thời gian nông nhàn, ông làm thêm nghề mổ chó. Xây dựng NTM ở đây cũng chưa có được chuyển biến tích cực trong sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Khuất Văn Đức trần tình, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn xã đang rất chậm. Theo kế hoạch năm 2011, địa phương sẽ triển khai làm 7 tuyến đường giao thông, trong đó có 5 tuyến trong làng và hai tuyến nội đồng + kênh mương với tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng, xây mới và cải tạo trường mầm non, kinh phí 9,5 tỷ đồng, tiểu học 9,5 tỷ đồng và THCS 5 tỷ đồng; xây dựng quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 45ha… Tuy nhiên, đến nay địa phương mới đang triển khai ba tuyến đường giao thông chính trong làng; trường học, trạm xá chưa làm được gì, ngay cả quy hoạch cũng chưa xong...

Không riêng gì Đại Đồng, tại xã Nghĩa Hương, mô hình điểm xây dựng NTM của huyện Quốc Oai cũng trong tình trạng tương tự. Theo kế hoạch năm 2011, Nghĩa Hương sẽ triển khai 14 dự án, nhưng đến nay mới khởi công được 6 dự án gồm: điện chiếu sáng, nâng cấp ba trạm bơm tưới, lập quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề… Còn xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa mới triển khai xây dựng ba công trình: trụ sở UBND xã, trường mầm non và trung học cơ sở còn lại tất cả vẫn nằm trên giấy.

Chờ đấu giá đất

Theo Sở NN&PTNT, tiến độ xây dựng NTM ở các xã điểm đang rất chậm so với yêu cầu. Có nhiều lý do nhưng nguyên nhân chính mà các địa phương nêu ra là không có kinh phí. Ông Khuất Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng (Thạch Thất) cho biết, trong số 233 tỷ đồng (tổng kinh phí cho xây dựng NTM của xã), ngân sách TP hỗ trợ khoảng 29%, xã hội hóa khoảng 10%, còn lại là ngân sách huyện và xã phát huy nội lực. Xã thuần nông, thu ngân sách xã hằng năm của Đại Đồng chỉ được vài trăm triệu, cấp trên vẫn phải phân bổ ngân sách thêm cho địa phương hoạt động. Nguồn vốn chủ yếu xây dựng NTM "trông" vào đấu giá quyền sử dụng đất, xã đã quy hoạch gần 50ha tại khu Lỗ Đòng để đấu giá nhưng đến nay vẫn chưa xong. Chưa có vốn, nên các công trình vẫn phải chờ.

Ở xã Đại Đồng, trong khi chưa đấu giá được quyền sử dụng đất lấy kinh phí, xã đã năng động đề nghị DN kinh doanh vật liệu xây dựng "bán chịu" vật liệu cho xã để thực hiện dự án (theo quy định, chính quyền sẽ hỗ trợ các xóm 30% vật liệu làm đường, còn lại kêu gọi người dân xã hội hóa). Đến nay, xã đã cấp cho ba dự án đường giao thông trong làng, gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Khuất Văn Đức cho biết, BCĐ xã rất lo vì mới đây, UBND xã mới thanh toán được 200 triệu đồng, 800 triệu còn lại chưa biết sẽ trông vào đâu để trả nợ DN.

Không có vốn dẫn đến chậm triển khai công trình là thực tế đang diễn ra ở nhiều mô hình điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, TP cần sớm tháo gỡ khó khăn về thủ tục, quy trình đấu giá quyền sử dụng đất, giúp cơ sở tạo vốn xây dựng NTM. Đồng thời ưu tiên điều tiết vốn, ứng vốn trước để đầu tư cho các xã điểm triển khai các công trình thiết yếu. Mặt khác, theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN&PTNT Hà Nội), để khắc phục khó khăn về vốn, các xã cần tập trung mạnh vào triển khai các phần việc không cần nhiều kinh phí như xây dựng nếp sống văn hóa mới, chỉnh trang nhà cửa, tập trung vào sản xuất tại chính gia đình mình. Đơn cử như việc dồn điền đổi thửa, không mất nhiều kinh phí, chỉ cần sự nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ cơ sở để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. DĐĐT không phải là tiêu chí của NTM nhưng lại là động lực to lớn thúc đẩy mô hình này bởi nó sẽ nâng cao được năng suất và chất lượng nông sản. Quá trình DĐĐT còn tạo ra quỹ đất dôi dư (do phá bỏ bờ thửa) để xây dựng các công trình phúc lợi hoặc đấu giá lấy kinh phí xây dựng NTM. Đối với việc huy động nhân dân đóng góp cần đa dạng bằng nhiều cách: góp tiền, góp vật liệu, góp ngày công. Đặc biệt, phải để người dân tham gia vào các công trình xây dựng (hiện đa số các địa phương phó mặc hết cho nhà thầu) để người dân được đóng góp ngày công trong xây dựng NTM, tránh thu tiền của dân.

Nguyễn Mai