Tạo bước đột phá, tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước

Kinh tế - Ngày đăng : 08:38, 09/12/2011

(HNM) - Ngày 8-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.


Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, từ năm 2001 đến nay, cả nước đã CPH 3.388 doanh nghiệp (DN) và bộ phận DN; trong đó, 57,8% DN thuộc địa phương, 31,8% DN thuộc bộ, 10,4% DN thuộc các tập đoàn, tổng công ty (TCT) 91. Đến nay, có 83 DN; trong đó có 16 TCT, ngân hàng thương mại nhà nước có vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng hoàn thành CPH.

Ảnh: Chinhphu.vn

Như vậy, từ chỗ năm 2001 cả nước có 5.655 DNNN, hoạt động ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thì đến năm 2010 chỉ còn gần 1.500 DN và đến tháng 10-2011 còn 1.309 DN, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, bảo đảm các cân đối vĩ mô, công ích, an ninh, quốc phòng.

CPH được tiến hành mạnh mẽ nhất trong 4 năm 2003-2006. Từ năm 2007 đến nay, tiến độ CPH có phần chững lại. Trong số DN thực hiện CPH có 1.217 DNNN giữ cổ phần chi phối, 1.558 DNNN giữ cổ phần ở mức thấp, 613 DN bán toàn bộ vốn nhà nước. Đồng thời đã triển khai thí điểm CPH vườn cây, trồng rừng gắn với cơ sở chế biến ở 34 đơn vị, chủ yếu trong lĩnh vực trồng, chế biến cao su, chè, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi.

CPH đã góp phần đổi mới tư duy, nhận thức về sở hữu, về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về vai trò nòng cốt của DNNN trong phát triển kinh tế, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với DN, hình thành các DN có nhiều sở hữu. Việc CPH cũng xác lập quyền làm chủ DN của người lao động - cổ đông thông qua việc tạo điều kiện cho người lao động sở hữu cổ phần bằng cơ chế bán cổ phần ưu đãi. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát của các cổ đông bên ngoài, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, người lao động trong DN đã tạo sự đổi mới thực sự trong quản lý, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Đáng chú ý, một số DN quy mô lớn đã thu hút được cổ đông nước ngoài với các cam kết về đầu tư vốn, tái cơ cấu và đổi mới quản trị DN.

Hiện nay, đại đa số các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đã nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN, tạo niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, thị trường chứng khoán phát triển đã làm tăng khả năng huy động vốn, mở rộng thị trường, giúp các DN tiếp tục mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

CPH đã giúp các DN tự cơ cấu lại toàn bộ nguồn nhân lực thông qua phương án sắp xếp lao động để sử dụng nguồn nhân lực hợp lý và hiệu quả hơn; đồng thời vẫn duy trì và bảo đảm ổn định an sinh xã hội. Đặc biệt, sau khi chuyển đổi sang công ty cổ phần, hoạt động của các tổ chức đoàn thể vẫn bảo đảm như khi còn là DNNN.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện CPH, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như một số cơ chế, chính sách ban hành thường chậm; chưa kịp thời giải đáp, tháo gỡ theo yêu cầu thực tiễn.

Một số tập đoàn, TCT nhà nước trong các năm 2007, 2008 đã thành lập các công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của DN.

Quản lý đất trong các nông, lâm trường còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp. Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; trình độ công nghệ của đa số DNNN vẫn ở mức thấp. Chưa tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích. Hiệu quả kinh tế - xã hội của DNNN chưa được đánh giá đầy đủ.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do chưa có chế tài xử lý đối với những đơn vị không hoàn thành kế hoạch, các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được phân công, phân cấp chưa đủ rõ, thủ tục hành chính quá phức tạp, rườm rà khiến cho các DN đành ở tình trạng "chết lâm sàng", "sống thực vật".

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng chỉ ra, đó là sự thiếu đồng bộ trong các chính sách đổi mới DNNN. Chỉ trong 10 năm, hầu hết các cơ chế, chính sách sắp xếp đổi mới DNNN đều phải sửa đổi lại và thậm chí là thay thế mới 3-4 lần, văn bản hướng dẫn thì ban hành chậm. Việc thay đổi liên tục này đã làm ách tắc nhiều kế hoạch mà điển hình là đã làm chậm lại kế hoạch cổ phần hóa DNNN lẽ ra phải hoàn thành vào tháng 7-2010.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Những kết quả trong cổ phần hóa DN trong 10 năm qua là đúng hướng, đúng chủ trương và mang lại kết quả thành công. Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại như thể chế quản lý vẫn chưa đồng bộ, còn vướng mắc, còn chưa phù hợp; hoạt động cổ phần hóa còn chậm; một số DN để thua lỗ kéo dài; một số DN để xảy ra tiêu cực, sai phạm, làm ảnh hưởng tới uy tín chung của DNNN…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong thời gian tới, mục tiêu kiên định là tiếp tục đổi mới, sắp xếp, hay nói cách khác là tái cơ cấu để DNNN hoạt động hiệu quả cao hơn so với nguồn lực được giao; làm tốt vai trò, chức năng được Đảng và Nhà nước giao cho DNNN trong đó có vấn đề bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến kiện toàn bộ máy lãnh đạo các TĐ, các TCT, các DNNN, bảo đảm đội ngũ lãnh đạo, cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm và nghiêm túc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung liên quan tới tái cấu trúc DNNN ngay sau khi đề án tái cấu trúc DN được phê duyệt vào thời gian tới.

Thanh Mai