Không thể để “lừa” đội lốt “sư tử”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 09/12/2011
Ông Đặng Đình Tùng (Chuyên gia kinh tế - tài chính):
Sẽ gây thiệt hại cho những doanh nghiệp đã định danh
Khi soạn thảo văn bản này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra một thực tế là thời gian qua nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lạm dụng từ "tập đoàn", "tổng công ty" khi đưa vào tên gọi để đánh lừa đối tác về quy mô, khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách đầy đủ là không một doanh nghiệp, công ty, tổ chức kinh tế nào có thể tự xưng tên mà không được sự cho phép của cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh, cũng không một doanh nghiệp nào có thể giao dịch, ký hợp đồng, chuyển khoản, thanh quyết toán... lại không có con dấu, với đầy đủ tên gọi đã được Nhà nước thừa nhận. Tức là cả những doanh nghiệp đã và đang "lạm dụng" cách gọi "tập đoàn", "tổng công ty" cũng phải thành lập và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Nếu quyết định này được ban hành, những "tập đoàn", "tổng công ty" đã định danh trước đó có phải thay đổi không? Nếu thay đổi thì những thiệt hại như thời gian, chi phí để thay đổi con dấu, lôgô, biển hiệu, các hoạt động quảng cáo... thì doanh nghiệp tự chịu hay Nhà nước đền bù? Nhìn một cách tổng quát hơn, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp đó sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại là không thể đong đếm được. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự thiệt hại này?
Luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc Công ty Luật TNHH Basico):
Sự chuẩn hóa quy mô của doanh nghiệp
Ở nước ngoài, mô hình tập đoàn là một nhóm công ty với một công ty bao quát (tiếng Anh gọi là holdings) nắm cổ phần tại hàng loạt công ty con bên dưới. Holdings không tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ nắm vai trò định hướng cho các công ty bên dưới theo kế hoạch giao tỉ lệ tăng trưởng hằng năm hoặc 3-5 năm, tỉ lệ cổ tức, chiếm giữ bao nhiêu phần trăm... Nhóm công ty này thống nhất với nhau về cách thức quản lý, thương hiệu và hỗ trợ nhau phát triển. Bởi vậy, một tập đoàn có thể kinh doanh từ xà phòng, khăn giấy đến ô tô, máy bay... nhưng chất lượng sản phẩm và thương hiệu luôn vững mạnh. Ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều mô hình doanh nghiệp hoạt động theo phương thức này như: Vincom, Hoàng Anh Gia Lai, Kinh Đô, FPT... và rất hiệu quả. Mô hình tập đoàn là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển và kinh doanh hiệu quả. Nội dung dự thảo là một sự chuẩn hóa quy mô cho các doanh nghiệp được định danh "tập đoàn", "tổng công ty". Điều này cũng có nghĩa, khi có cụm từ "tập đoàn", "tổng công ty" trong tên gọi, doanh nghiệp đó đã thể hiện được đẳng cấp, thương hiệu của mình.
Luật sư Đỗ Minh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Tránh hiện tượng “lừa” đội lốt “sư tử”
Nếu chỉ theo tiêu chí vốn 1.000 tỉ đồng hoặc 500 tỉ đồng và có tỉ lệ sở hữu ở một số doanh nghiệp như dự thảo đưa ra đã được xếp "đẳng cấp" tập đoàn, tổng công ty, thì xem ra còn quá đơn giản. Trên thị trường hiện nay có hàng nghìn doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng. Còn việc doanh nghiệp "đẻ" ra năm, bảy công ty con không khó, bởi dự thảo không đề cập đến điều kiện vốn và quy mô của các công ty thành viên. Bản dự thảo này được xem là một văn bản hợp thức hóa thương hiệu của những doanh nghiệp có danh xưng là "tập đoàn", "tổng công ty". Bởi vậy, nếu không được quy định chặt chẽ về điều kiện, hồ sơ, thủ tục... e rằng sẽ phát sinh hiện tượng "lừa" đội lốt "sư tử" trong thị trường. Cụ thể, nếu một tập đoàn có vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng, nhưng cổ phiếu của họ chỉ có mệnh giá 3.000-4.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa chỉ còn 30-40%. Như vậy, giá trị tài sản thật của doanh nghiệp chỉ còn 30-40% so với vốn điều lệ. Hoặc trường hợp sau khi đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ, doanh nghiệp góp vốn vào năm, bảy công ty để được định danh, sau đó lại rút vốn ra. Nếu tổ chức kinh tế đó vẫn được gắn mác "tập đoàn", thì chắc chắn thị trường sẽ bị nhầm lẫn về thương hiệu và giá trị thực của nó.
Bà Hoàng Minh Thảo (Giám đốc Công ty cổ phần AS):
Không phải là thước đo nội lực
Mỗi một công ty thành viên của tập đoàn hay tổng công ty là một pháp nhân hoạt động độc lập. Vì lợi ích và hiệu quả kinh doanh chung của một nhóm doanh nghiệp (có thể thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau), mà liên kết, ràng buộc nhau dưới hình thức nhóm (group) để cùng hoạt động. Khi tách ra, các doanh nghiệp này vẫn có thể hoạt động độc lập bình thường. Các công ty con do chính công ty mẹ lập ra để phục vụ cho lợi ích công ty mẹ cũng là một pháp nhân độc lập, có chức năng kinh doanh và khả năng quyết toán độc lập. Bởi vậy, chủ thể chịu trách nhiệm chính trong hoạt động kinh doanh trước thị trường và pháp luật là các công ty thành viên. Sự liên kết hoàn toàn có thể thay đổi. Trong quá trình hoạt động, mỗi công ty thành viên cũng có quyền lựa chọn và thay đổi đối tác. Bởi vậy, việc định danh "tập đoàn" hay "tổng công ty" chỉ mang tính hình thức, không phải là thước đo thực chất nội lực của tổ chức kinh tế đó.