Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp ICT

Xe++ - Ngày đăng : 11:27, 08/12/2011

(HNMO)- “Tại Việt nam, việc nâng cấp công nghệ thông tin (CNTT) dù mới chỉ bắt đầu, nhưng với sự quan tâm và lực kéo của Chính phủ, thì tiềm năng phát triển CNTT là rất lớn. Và chúng tôi tin rằng trong 1-2 năm tới doanh thu bán hàng của chúng tôi sẽ có tăng trưởng gấp đôi so với hiện tại”, ông Yang Shu, Chủ tịch Huawei khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận định...


(HNMO)- “Tại Việt nam, việc nâng cấp công nghệ thông tin (CNTT) dù mới chỉ bắt đầu, nhưng với sự quan tâm và lực kéo của Chính phủ, thì tiềm năng phát triển CNTT là rất lớn. Và chúng tôi tin rằng trong 1-2 năm tới doanh thu bán hàng của chúng tôi sẽ có tăng trưởng gấp đôi so với hiện tại”, ông Yang Shu, Chủ tịch Huawei khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây.

PV: Là một công ty đã có nhiều dự án viễn thông được lựa chọn ở các nước trên thế giới, vậy đối với thị trường Việt Nam, quan điểm của công ty ông như thế nào?

Ông Yang Shu: Việt Nam thuộc nhóm các nước Đông Nam Á, được xác định là một thị trường tiềm năng cho Huawei, bản thân nó cũng đã được tạo dựng như là một đối tác chiến lược quan trọng với các nhà khai thác viễn thông lớn trong khu vực. Huawei tiếp tục đáp ứng nguyện vọng kết nối trong khu vực với công nghệ tiên tiến và các dịch vụ tùy chỉnh và Huawei đang có một sự hiện diện mạnh mẽ tại những quốc gia trong khu vực này.

Tại Việt Nam, trong vài năm qua, theo dữ liệu của chúng tôi ICT đã có một sự phát triển nhanh chóng, phát triển nhanh hơn đối với mức trung bình toàn cầu. Theo báo cáo do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) Việt Nam đã lọt vào nhóm 10 nước có tốc độ phát triển ICT nhanh nhất thế giới. Ngành ICT không chỉ phát triển nhanh trong lĩnh vực riêng của nó mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng tới phát triển về ngành công nghiệp và thương mại, thúc đẩy giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi tin rằng trong một vài năm tới, ngành ICT sẽ nhanh chóng trở thành một nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như đạt được sự chú ý và hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ, doanh nghiệp và những người dân thường.

PV: Đối với các nước đã phát triển hơn như Singapore, Thái Lan… Huawei có định hướng chiến lược khác nhau như thế nào so với các nước đang phát triển như Việt Nam?

Ông Yang Shu: Thực tế, ngành CNTT không có nhiều điểm khác biệt giữa các nước đã phát triển và đang phát triển (hoặc quốc gia mới nổi), đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông và ứng dụng kinh doanh. Như mạng 3G ở Việt nam và 3G ở Singapore, về kỹ thuật thì không có gì khác nhau, chỉ khác nhau ở quy mô ứng dụng. Kinh nghiệm làm việc ở các nước đang phát triển của Huawei có thể giúp chúng tôi nâng cao năng lực dịch vụ ở các nước đang phát triển tốt hơn; và tất nhiên chúng tôi sẽ tùy chỉnh các giải pháp của chúng tôi dựa trên mỗi nước, mỗi tình huống khác nhau của các nhà khai thác, giá trị cốt lõi của chúng tôi là “đổi mới khách hàng trọng tâm”. Sự khác biệt này là dựa trên mỗi khách hàng, chứ không phải là sự khác biệt giữa các nước đã phát triển và đang phát triển.

Singapore thực chất là một nước phát triển nhanh về CNTT, Huawei cũng đã triển khai nhiều giải pháp cho chính phủ và các doanh nghiệp của Singapore, như giải pháp băng thông rộng mang tính quốc gia và nhiều việc khác nữa. Tại Việt nam, việc nâng cấp CNTT mới chỉ bắt đầu, nhưng với sự quan tâm và lực kéo của Chính phủ, thì tiềm năng phát triển CNTT là rất lớn. Huawei sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đã thành công của mình ở những thị trường đã phát triển cho Việt Nam.

PV: Vậy điều gì đóng vai trò quan trọng đối với những thị trường đang nổi trong chiến lược của Huawei?

Ông Yang Shu: Tiềm năng chưa khai thác của những thị trường mới nổi mang tới những cơ hội lớn cho Huawei và ngành viễn thông, vì những thị trường này trở thành những khu vực đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong một vài năm tới, có trên một tỷ những người sử dụng mới sẽ tiếp cận tới mạng di động ở những nước mới nổi. Việc có nhu cầu cao cho sự kết nối cơ bản này chính là nằm trong những thị trường này. Như ở Việt nam, trong một vài năm qua thị trường viễn thông phát triển rất nhanh, đã mang tới cho Huawei những cơ hội tốt đạt được kết quả kinh doanh tốt. Chúng tôi đã giúp đỡ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt nam thông qua các dịch vụ và các sản phẩm của chúng tôi.

Cụ thể, ở Việt Nam Huawei đã cung cấp hơn 6 triệu đơn vị thiết bị đầu cuối bao gồm thiết bị cầm tay, 3G USB dongle, các thiết bị đầu cuối cố định không dây, modem ADSL tại Việt Nam và đem lại cho hãng này doanh thu 500 triệu USD trong năm 2010. Trong 1-2 năm tới doanh thu bán hàng của Huawei sẽ có tăng trưởng gấp đôi so với 2010.

Ông Yang Shu - Chủ tịch Huawei khu vực châu Á – Thái Bình Dương.


PV: Hiện nay tại rất nhiều quốc gia đang triển khai băng thông rộng và cho rằng đó là “phép nhiệm màu” trong phát triển kinh tế và xã hội của các nước. Cá nhân ông đánh giá như thế nào?

Ông Yang Shu: Thâm nhập băng thông rộng của châu Á nói chung là khoảng 7,8% dựa trên dân số, còn trên thế giới là khoảng 8%, và đối với Việt Nam việc thâm nhập này là khoảng 4,5%. Trên thực tế băng thông rộng đã ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế và xã hội của các nước, chúng ta có thể nhìn thấy từ các tham số sau đây. Cứ tăng 1% thâm nhập băng thông rộng, sẽ dẫn đến tỷ lệ công ăn việc làm tăng 0,2% đến 0,3%. Cứ đầu tư 1 USD trên băng thông rộng sẽ tạo ra giá trị cho cộng đồng khoảng 10 USD. Nước xây dựng mạng băng thông rộng quốc gia, sẽ nhận được một tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 1,4%.

PV: Trong thời gian tới, Huawei sẽ tiếp tục triển khai các dự án và sản phẩm nào ở Việt Nam?

Ông Yang Shu: Chúng tôi đã triển khai nhiều dự án và sản phẩm ứng dụng cho các nước đang phát triển đem lại hiệu quả cao như LTE, BSS, SDP với các nhà khai thác ở đó. Đối với LTE: cung cấp dịch vụ MBB với băng thông lớn đảm bảo đến cuối cùng cho người dùng có thể tận hưởng cuộc sống trực tuyến với các dịch vụ phong phú như trò chơi trực tuyến trên thiết bị di động, video trực tuyến HD trên thiết bị di động. Đối với BSS và SDP, các sản phẩm có thể giúp các nhà khai thác nâng cao khả năng dịch vụ với chất lượng dịch vụ cao hơn, sự lựa chọn phong phú hơn, thời gian đáp ứng nhanh hơn và yêu cầu nhân sự ít. Ở Việt Nam, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với nhiều nhà khai thác, tìm hiểu chuyên sâu về thị trường, nuôi dưỡng thị trường và đón đầu công nghệ. Cuối cùng, đã đến lúc để chúng tôi khởi động mạnh mẽ các dịch vụ này.

PV: Được biết, Huawei đang hướng đến thị trường smartphone giá rẻ ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ông Yang Shu: Ở Việt Nam 85% vẫn là điện thoại phổ thông chỉ nghe gọi và nhắn tin và số 85% này xấp xỉ 50 USD cho một chiếc điện thoại. Các điện thoại smartphone ở Việt Nam người dùng mới chiếm khoảng 5-7%, cho nên nhu cầu còn rất lớn.

Nguyên nhân các Smartphone chưa thịnh hành là do giá cả và các ứng dụng 3G vẫn còn thiếu. Nhưng trong vòng 2-3 năm tới các smartphone sẽ bùng nổ ở Việt Nam và tôi hy vọng rằng Huawei sẽ chiếm thị phần lớn nhất giống như họ đã thành công với thị trường nội địa. Hãng đang tính đến bán những chiếc Smartphone 150 USD tại Việt Nam. Các Smartphone của hãng sẽ có màn hình cảm ứng lớn, hỗ trợ 3G. Hiện hãng đang chuẩn bị xây dựng trung tâm phần mềm với đối tác Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

T.Minh