VPF chính thức ra đời: Làm rồi mới tính

Xã hội - Ngày đăng : 16:05, 07/12/2011

Nếu tổ chức lấy ý kiến các thành viên thêm một lần nữa, không dám chắc kết quả còn giữ được con số 100% như ở hội nghị VFF với các ông chủ 28 CLB diễn ra cách đây 3 tháng hay không.


Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng hôm qua đã lắc đầu nguầy nguậy ngay khi mới nghe đề cập tới VPF. Ông Dũng sau đó rất tha thiết đề nghị người viết…chuyển sang liên hệ với Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn. “Cậu cứ gọi mà “hành” ông ấy, chứ tôi nói nhiều quá, mà giờ công việc còn chưa xong. Người ta nhìn mặt lại phát ghét”-ông Dũng trả lời có đôi chút tếu táo.

Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn đang rất bận rộn trong việc thúc đẩy tiến trình thành lập VPF.


Quả tình trong khoảng hai tháng qua thì cùng với Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn, ông Dũng là người có tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhiều nhất để trả lời mọi vấn đề “xyz” của VFF, từ vấn nạn trọng tài ở mùa giải 2011, thành lập VPF đến nóng nhất như ông Goetz với U23 VN. Trong bối cảnh các lãnh đạo VFF khác đều khá kiệm lời, ông Dũng đương nhiên là cứu cánh của giới truyền thông… Đang ở trong TP.HCM, thoắt cái lại thấy ông Dũng có mặt ở Hà Nội, rồi ngay ngày hôm sau lại trở ngược vào Nam. Cũng không hiểu trong quãng thời gian trên, ông Dũng bố trí giải quyết công việc kinh doanh như thế nào.

Tương tự, Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cũng xoay như “đèn cù” với công việc thành lập VPF. Sau khi “bầu” Kiên cùng ông chủ 5 CLB khác trình ra đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN, công việc nghiên cứu đề án, xúc tiến xin cấp phép hoạt động cho công ty được VFF giao hẳn cho ông Viễn. So với các lãnh đạo VFF khác, ông Viễn vốn dĩ cũng nhận được sự tín nhiệm cao hơn từ phía các “bầu”. Ví như chủ tịch CLB bóng đá HA.GL Đoàn Nguyên Đức, đã tiến cử trực tiếp ông Viễn vào ghế Trưởng BTC giải V.League (khi đề án thành lập VPF còn chưa được trình làng).

Quá trình làm việc ở một cơ quan nhận được nhiều sự chú ý của dư luận như VFF không tránh khỏi có điều này tiếng kia. Sức ép từ nhiều phía khiến ông Viễn đôi lúc đã bộc lộ sự căng thẳng, mệt mỏi. Đặc biệt, từ lúc có thông tin ông Viễn được cơ cấu cho vị trí TGĐ VPF, tin đồn ngày càng nhiều. Trong khi trên thực tế, cả VFF và đại diện của 28 CLB khi được đề nghị tiến cử, đều không chọn được gương mặt nào khác xứng đáng hơn, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Người khả dĩ nhất như Phó TTK Dương Nghiệp Khôi thì hiện lại không nhận được nhiều sự ủng hộ. Theo tìm hiểu, VFF cũng đã đánh tiếng mời một số người ngoài bóng đá tham gia VPF nhưng tín hiệu trả lời đều khá yếu, cũng có thể một phần do thất bại quá thảm của đội tuyển U23 VN ở SEA Games 26. VPF trong năm đầu tiên được thành lập, khi hoạt động chưa đi vào quy củ, lại bị dự đoán là sẽ lỗ nặng.

Một thực tế dễ nhận thấy, là sau lúc hứng khởi ban đầu, sự kỳ vọng vào VPF từ các thành viên đang có dấu hiệu giảm dần. Ngay cả những người nhiệt tình tham gia từ đầu cũng oải do vấp phải quá nhiều những bàn tán, tranh cãi, nâng lên đặt xuống. Hai ông “bầu” Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Đức Kiên đã không có mặt trong cuộc họp lấy chữ ký vào các văn bản xin cấp phép cho công ty để trình lên Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội. Công việc được giao toàn bộ cho Ban trù bị thành lập công ty. Loanh quanh hết ông Dũng lại đến ông Viễn đứng ra giải thích các thắc mắc của dư luận và giới truyền thông. Cho đến hôm qua, hai ông cũng “cáo” nốt. Hẳn cũng đã có phần quá sức. Chiều tối muộn nhắn tin hỏi TTK Trần Quốc Tuấn mới thấy ông Tuấn báo lại. Cũng chỉ vỏn vẹn 4 từ: “Có rồi em ạ!”. Đọc như tiếng thở phào của ông “Tổng”.

Theo TT&VH