Phường Nam Đồng: “Xây” thêm áp lực

Đời sống - Ngày đăng : 09:30, 07/12/2011

(HNMO)- Hơn 20 khu nhà tập thể cao 4, 5 tầng, chưa kể ngót nghét cả trăm ngôi nhà cao tầng của tư nhân xây dựng; những áp lực ấy đang hàng ngày, hàng giờ hiện hữu ở khu tập thể Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Những ngày cuối tháng 11 này, có thêm nỗi lo trong “mớ” áp lực ấy.


Cám cảnh “cha chung”

Khu tập thể Nam Đồng được Bộ Quốc phòng xây dựng từ khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, để phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho cán bộ chiến sỹ công tác trong quân đội. Cùng với thời gian, sự gia tăng dân số, sự xuống cấp của công trình nhà ở, khiến chất lượng sống, sinh hoạt của người dân ngày càng ảm đạm.

Trong bối cảnh ấy, khu tập thể Nam Đồng nói riêng hàng ngày đều chịu áp lực lớn của sự ùn ứ giao thông từ con phố Hồ Đắc Di chạy cắt qua lối vào khu tập thể, rồi dãy chợ tạm ngay mặt tiền các tổ dân phố 1, 2 3. Ước tính, có tới 2.000 hộ gia đình đang sinh sống trong các khu nhà cao tầng ở tập thể Nam Đồng; con số ấy cứ nhân bình quân với 4 khẩu mỗi hộ; rồi lưu lượng học sinh của 3 trường học mỗi ngày 2 buổi đi qua phố Hồ Đắc Di; lại thêm các phương tiện giao thông từ khu Trung Tự đi sang...

“Hàng chục năm nay, khu tập thể Nam Đồng chưa hề được nâng cấp, sửa chữa lớn”, bác Lê Văn Diệm, tổ trưởng tổ dân phố số 3 phường Nam Đồng thông tin. Trên danh nghĩa hiện nay, khu tập thể này vẫn do Bộ Quốc phòng - thông qua một ban quản lý nhà - quản lý. Ban này chủ yếu tiếp nhận thông tin và cử người tiến hành sửa chữa những hư hỏng nhỏ cho người dân. Nhưng động thái này chỉ diễn ra từ vài năm trước. Còn ít nhất trong khoảng 6 tháng trở lại đây, việc sửa chửa hoàn toàn do người dân tự túc.

Về phần quản lý con người, công tác này do phường Nam Đồng đảm trách; từ việc đăng ký hộ khẩu, xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến sinh hoạt các tổ dân phố, cụm dân cư. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Nam Đồng, ông Nguyễn Văn Quang cho biết, Bộ Quốc phòng đang tiến hành bàn giao quản lý nhà sang cho thành phố, quận và phường.

Có lẽ chính quá trình “nhùng nhằng” giữa pháp nhân quản lý nhà đất - con người này mà nhiều áp lực đã xuất hiện ở khu tập thể Nam Đồng. Trong đó, áp lực mới nhất đang hình thành do chính đơn vị quản lý nhà tạo nên, trước khi quá trình bàn giao hoàn tất.

Phá hội trường xây nhà 6 tầng

Vẫn theo bác tổ trưởng tổ dân phố số 3, trong địa phận khu tập thể Nam Đồng nhiều năm nay tồn tại 3 vấn đề. Thứ nhất là cái chợ tạm ở đối diện các tổ dân phố 1, 2, 3; chợ “mọc” ngay khúc quanh vào khu tập thể, nên cứ tan tầm hay đầu buổi sáng là lại tắc. Chính quyền cơ sở muốn “xóa” lắm, nhưng chưa làm được, phần vì khó khăn trong công tác giải tỏa, phần vì nhu cầu mua bán, mưu sinh của người dân.

Tồn tại thứ hai là dự án nhà trẻ ở khu C, xây được nửa chừng rồi… bỏ đấy. Cái nhà trẻ nửa vời này nghe nói tới đây sẽ bàn giao cho phường quản lý, hy vọng sẽ được tái khởi công. Tồn tại thứ ba cũng là vấn đề bức xúc nhất: khu hội trường nằm giữa tổ dân phố số 2 và 3. Bác Phạm Thanh Đảo, tổ trưởng tổ dân phố số 1 nhớ lại: “Hội trường được xây dựng cùng thời điểm khu tập thể.

Tầng 1 là trụ sở của ban quản lý nhà; tầng hai là chốn sinh hoạt tinh thần, cộng đồng trong suốt hơn 50 năm qua của người dân khu Nam Đồng. Chính nơi đây, trong lần về thăm khu tập thể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng cho câu lạc bộ hưu trí đang sinh hoạt ở câu lạc bộ 1 bộ bóng bàn. Giá trị tinh thần của hội trường ý nghĩa lắm”.

Không phải đến bây giờ người ta mới “nhắm” đến chuyện phá hội trường để xây nhà 6 tầng với tên gọi “nhà xã hội hóa”. Từ năm 2000, ý định ấy đã rục rịch, nhưng cán bộ cơ sở, người dân không đồng tình nên nó phải dừng lại, với khẳng định tiếp tục sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân. 11 năm sau, ý định phá hội trường được tái khởi động.

Khoảng giữa năm 2011, bác Đảo kể: “Họ đột ngột đến tháo hết cửa sổ tầng 2 hội trường, tháo cả quạt. Ban quản lý dự án cũng chuyển đi. Trong phút chốc, cả khuôn viên ấy biến thành…đất hoang”. Từ thời điểm ấy, bà con khu Nam Đồng hết còn cơ hội được tới lui không gian đầy ắp kỷ niệm 50 năm của mình. Mỗi lần hội họp, các tổ, các cụm lại phải đôn đáo đi tìm mượn hội trường.

Đáng ngại nhất là 2 hộ dân vốn được phân nhà, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khuôn viên trụ sở ban quản lý dự án - hội trường, cũng đã nhận được thông báo tự di dời trong tháng 11. “Chẳng ai nói rõ là chúng tôi phải di dời đi đâu, chế độ chính sách đền bù, hỗ trợ thế nào. Ông nhà tôi từ bận nhận được thông báo cứ ốm lên ốm xuống. Cả đời cống hiến, ai ngờ…”, bác Nguyễn Thị Cư, một trong hai hộ dân trong diện di dời ngậm ngùi.

Trở lại trụ sở UBND phường Nam Đồng để hỏi chuyện chủ tịch Nguyễn Văn Quang. Đồng chí chủ tịch sốt ruột không kém người dân của mình: “Đây, duy nhất họ gửi cho tôi một bản thông báo sẽ triển khai xây dựng nhà xã hội hóa. Không nói rõ vị trí xây ở đây, quy mô thế nào, thời điểm nào khởi công; chỉ vẻn vẹn “tuyên bố” sẽ phá dỡ công trình cũ trong tháng 11. Thông báo kiểu này thì cấp nào có thể hợp tác được chứ”. Bản thông báo của chủ đầu tư và đơn vị (dự kiến) thi công nhà xã hội hóa ở vị trí hội trường khu tập thể Nam Đồng có lẽ chỉ để ra cho…vui.

Bởi thời điểm chúng tôi tìm về khu tập thể này (ngày 28-11), vẫn chỉ bắt gặp cảnh tan hoang của một chứng tích đầy kỷ niệm với những người dân khu Nam Đồng. Chắc là cũng khó để hy vọng người ta dừng dự án, trong thời cảnh “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay. Nhưng dù làm, cũng nên tham khảo nguyện vọng của cộng đồng, chính quyền cơ sở; nên trân trọng những gì đã thuộc về kỷ niệm, trân trọng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, văn hóa của người dân. Những thứ ấy, ngẫm kỹ, sẽ khó kiếm, khó tìm hơn hẳn giá trị vật chất mà dự án xây nhà đem lại.

Ngô Nhật Minh