Cách kích cầu tiêu dùng hiệu quả

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:27, 07/12/2011

(HNM) - Hưởng ứng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn và thực hiện cuộc vận động


Người dân huyện Thạch Thất chọn mua hàng tiêu dùng tại hội chợ. Ảnh: Minh Hường

Đại diện Sở Công thương cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm tăng cường bình ổn giá cả thị trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, năm nay, Ban tổ chức Tháng khuyến mãi Hà Nội đã mở rộng hình thức khuyến mại bằng việc tổ chức hội chợ khuyến mãi ở ngoại thành, nhằm kích cầu tiêu dùng cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Hội chợ vàng khuyến mãi Thạch Thất với các chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn, là cơ hội cho các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng tiêu dùng quảng bá và bán sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng trên địa bàn các huyện ngoại thành cũng như vùng lân cận; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con ngoại thành mua được hàng hóa chất lượng, với giá ưu đãi hấp dẫn. Tại hội chợ này đã có 40 gian hàng của các siêu thị tổng hợp, DN lớn tham gia bán hàng ngàn sản phẩm chất lượng, chủ yếu được sản xuất trong nước, như các siêu thị: Fivimart, BigC, Sài Gòn Coopmart, Hapro; các công ty: CP Thủy sản 584 Nha Trang - đại lý Đạt Tin, Điện thoại III - Viễn thông Hà Nội, TNHH ĐT&TM Nhật Hưng, TNHH An Phú, CP Đầu tư xây dựng và thương mại Minh Long, CP Visunco...

Sản phẩm được bán chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gồm thực phẩm, đồ gia dụng, sản phẩm thời trang, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại… trong đó có nhiều mặt hàng thuộc danh mục hàng bình ổn giá, như dầu ăn, thực phẩm chế biến… Ngoài ra, nhiều mặt hàng được bán ở đây với giá khuyến mại giảm 10-15%. Nhiều siêu thị như BigC, Saigon Coopmart, Hapro đã bán những sản phẩm rất đa dạng, có thương hiệu riêng do các công ty trong nước sản xuất, nên giá bán khá hợp lý. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, những mặt hàng đưa về phục vụ bà con các huyện ngoại thành đều bảo đảm chất lượng, có xuất xứ rõ ràng do DN trong nước sản xuất. Để có giá bán cạnh tranh, bên cạnh việc thương lượng với đơn vị sản xuất để hạ giá bán, các đơn vị phân phối còn chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để hỗ trợ giá cho bà con ngoại thành. Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tích cực kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, sản phẩm tại hội chợ, kiên quyết không để hàng giả, hàng nhái có "đất" tồn tại. Người dân huyện Thạch Thất cũng như các vùng lân cận rất phấn khởi khi mua sắm sản phẩm của Coop Mart, Fivimart, Hapro, Big C... Nhiều mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá được bán với giá thấp hơn giá thị trường hiện nay. Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức hội chợ khuyến mại tại một huyện ngoại thành, được người dân hưởng ứng rất tích cực. Để phục vụ tốt người dân nông thôn, các DN thương mại phải đưa hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá phải hợp lý, đôi khi phải giảm giá sâu hơn so với bán hàng ở khu vực trung tâm để tạo điều kiện cho người dân nông thôn được hưởng quyền lợi cao hơn. Doanh thu của các siêu thị trong những ngày hội chợ đã tăng khá nhiều so với những ngày thường. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ nhân rộng mô hình này trong các chương trình đến các vùng sâu, vùng xa của Thủ đô.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vừa kỷ niệm Hapromart tròn 5 tuổi và khai trương siêu thị Hapromart Đan Phượng tại 188-Sơn Tây, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng. Siêu thị có diện tích 1.400m2, quy mô hơn 10.000 mặt hàng, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm, dụng cụ gia đình; bánh mỳ, cà phê giải khát và ăn nhanh; thời trang... Hapromart Đan Phượng sẽ là điểm đầu mối thu mua và tiêu thụ sản phẩm địa phương, thực hiện chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về với người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội. Theo kế hoạch, Hapro sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng chuỗi bán lẻ Hapromart tại 29 quận, huyện Hà Nội và các tỉnh thành phố phía Bắc. Mục tiêu đến năm 2015, mỗi huyện ngoại thành Hà Nội đều có trung tâm thương mại, đại siêu thị, hoặc siêu thị Hapromart loại vừa.

Thắng Ngọc