Vẫn loanh quanh thí điểm

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 07/12/2011

(HNM) - Môi trường khu vực nông thôn đang chịu nhiều tác động xấu do không kiểm soát được lượng chất thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt. Việc phân loại rác thải sinh hoạt nông thôn (PLRTSHNT) tại nguồn được xem là giải pháp tối ưu để tận thu lượng rác ngoài xã hội, tiết kiệm được hàng tỷ đồng nhờ giảm chi phí chôn lấp...


Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong rác thải sinh hoạt nông thôn có từ 14 đến 16 chất thải rắn có khả năng tái chế như nylon, thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, cao su... Chất thải rắn có thể phân hủy (rác thực phẩm) chiếm khoảng 75%, còn lượng chất thải rắn có khả năng tái chế chiến khoảng 25%. Trung bình mỗi ngày, khu vực ngoại thành Hà Nội thải ra môi trường khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt. Như vậy hằng ngày, khối lượng chất thải rắn thực phẩm có thể thu được khoảng 2.250 tấn. Nếu tận thu loại rác này, thành phố sẽ tiết kiệm được tiền tỷ chi phí chôn lấp, xử lý rác, xử lý mùi và bán được phân compost. Ngoài lợi ích nhìn thấy được, việc PLRTSHNT tại nguồn sẽ làm giảm ô nhiễm nguồn nước, không khí và tài nguyên đất, tiết kiện đất đai dùng để chôn lấp rác cho các mục đích tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Mô hình PLRTSHNT tại nguồn triển khai tại xã Đại Đồng huyện Thạch Thất đã cho thấy hiệu quả khá cao. Để giảm thiểu tình trạng xả rác ra môi trường, năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư kinh phí mua 4.600 thùng nhựa đựng rác cấp cho các hộ dân xã Đại Đồng và 26 xe thu gom rác cấp cho 13 tổ thu gom và quần áo bảo hộ lao động cho 29 thành viên các tổ thu gom rác. UBND xã cũng đã đầu tư 200 triệu đồng xây dựng bãi tập kết rác tập trung và ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường vận chuyển rác về nơi xử lý. Sau gần hai năm triển khai, cái được lớn nhất ở đây là các hộ dân đã thực hiện tốt việc PLRT tại nguồn thành 2 loại ( rác phân hủy và rác không phân hủy). Việc này đã giảm được 30% lượng rác thải phải mang đi chôn lấp trước đây. Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt và làng nghề do Hội Nông dân Hà Nội phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn (Hội Nông dân Việt Nam) triển khai tại xã Phương Tú (Ứng Hòa) năm 2010 cũng cho hiệu quả khá rõ. Từ một xã có tới 60% lượng rác thải sinh hoạt, làng nghề tồn đọng trong khu dân cư, đến nay người dân xã Phương Tú đã được hưởng một môi trường sống trong lành hơn bởi rác thải sinh hoạt đã được phân loại, thu gom về bãi rác ở các thôn. Hiện, cả 6 thôn của xã đã thành lập được tổ thu gom với 17 xe chở rác chuyên dụng, 25 thùng đựng rác...

Tuy nhiên, đề án tổng thể PLRTSHNT tại nguồn chưa được nhắc đến trong các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước nên các địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai. Còn nhiều nơi thiếu bãi rác tập trung, người dân phải tự xử lý rác thải của mình, gây ô nhiễm môi trường. Ông Bùi Văn Sáng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho rằng: "Việc PLRTSHNT tại nguồn rất khó làm bởi tầm nhìn của chính quyền cơ sở chưa tới và ý thức của người dân không cao. Có lẽ phải đưa vào giáo dục từ bậc tiểu học mới làm thay đổi được ý thức cộng đồng..."
.
Ông Đỗ Đức Thành, Phó phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội nhận định, việc khuyến khích người dân PLRTSHNT tại nguồn trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và cấp bách. Làm được việc này cần phải có chiến lược đầu tư, kể cả về nhân lực, vật lực của nhà nước cùng với sự tham gia của toàn xã hội mới có thể thực hiện được. Theo ông Thành, một chương trình đơn lẻ chỉ mang tính thí điểm, để đi vào thực tế cần có chế tài buộc người dân tuân theo. Mặt khác, cũng cần tìm ra mô hình phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với từng địa phương. Muốn làm được việc này, thành phố cần vạch ra lộ trình, đồng thời đúc rút kinh nghiệm để lựa chọn mô hình hiệu quả, dễ làm, từng bước giúp các địa phương giải quyết hiệu quả bài toán xử lý rác thải trên địa bàn.

Hương - Hoài