Thông đường, tắc hàng hóa
Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 07/12/2011
Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định này lại làm hàng hóa bị ùn ứ ở cửa ngõ TP do các phương tiện bị vướng về thời gian và lộ trình lưu thông. Điều này khiến các doanh nghiệp rất khó khăn, đặc biệt là vào cuối năm lượng hàng xuất nhập qua các cảng rất lớn.
Doanh nghiệp và cảng biển "kêu cứu"
Quyết định 66 của UBND TP về hạn chế phương tiện vận tải lưu thông vào nội đô để giảm kẹt xe và tai nạn giao thông có hiệu lực từ ngày 1-11-2011, cấm tất cả các loại xe có trọng tải hơn 2,5 tấn lưu thông ở các tuyến đường nội thành từ 6h đến 24h trong ngày. Các xe tải dưới 2,5 tấn lưu thông trong thời điểm 8h-16h và 20h-6h sáng hôm sau. Với các tuyến đường vành đai, xe tải nặng cũng chỉ được lưu thông từ 9h đến 16h và từ 24h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Hàng ách tắc tại cảng Tân Thuận 2. Ảnh: Đặng Loan |
Theo Sở Giao thông Vận tải, sau một tháng triển khai Quyết định 66, số vụ tai nạn giảm 20% so với tháng trước. Bên cạnh đó, tình hình ùn tắc giao thông ở các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Võ Thị Sáu, Ðiện Biên Phủ… cũng giảm hẳn. Những tín hiệu tích cực này khiến nhiều người dân rất ủng hộ chủ trương trên và cảm thấy an toàn hơn khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, khi thực hiện Quyết định 66, các doanh nghiệp vận tải lại gặp khó vì thời gian vận chuyển hàng bị thu hẹp so với trước kia. Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP, do các bãi xe tải đều ở ngoại thành trong khi các cảng lại ở nội thành nên cần rất nhiều thời gian để giao nhận hàng. Xe chạy từ ngoại thành đến kho hàng cũng phải đến 1-2 giờ sáng. Đến điểm giao nhận hàng còn phải xếp, dỡ hàng nên nếu cấm xe lưu thông từ 6h sáng thì xe thay vì quay đầu lại phải nằm cảng chờ thêm một ngày nữa. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều bất lợi do các hãng tàu (phần lớn của nước ngoài) quy định thời hạn nhận hoặc giao hàng phải hoàn tất trước 24h hằng ngày, nếu quá thời điểm này xem như chậm trễ và sẽ bị tính thêm phí lưu container, phí bến bãi.
Các cảng biển cũng kêu khó bởi Quyết định 66. Ông Dương Thanh Khang, Phó Giám đốc khai thác Cảng Lotus cho biết, trước kia trung bình mỗi ngày cảng lưu thông luân chuyển khoảng 10.000-20.000 tấn hàng hóa, nhưng hiện chỉ còn khoảng chưa đến 3.000 tấn/ngày. Tổng số hàng tồn tại cảng đã lên tới khoảng 100.000 tấn. Còn theo Phó Giám đốc cảng Tân Thuận 2 Trần Khánh Lâm, lượng hàng ách tắc tại cảng này cũng đã xấp xỉ 20.000 tấn, bởi trước kia mỗi ngày cảng giải phóng 1.000-2.000 tấn hàng hóa thì hiện chỉ giải phóng được khoảng 1/5 đến 1/4 lượng hàng trên. Nhiều cảng khác cũng rơi vào tình trạng kho bãi ùn ứ, không thể tiếp nhận hàng từ tàu chuyển xuống nữa.
Cần có lộ trình
Các DN vận tải đều đồng tình rằng, cấm xe tải vào nội thành là chủ trương đúng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều kho hàng, nhà máy, công trình,… nằm trong khu vực nội thành và việc di dời 5 cảng biển của TP là cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Tân Thuận Đông, Rau Quả và Nhà máy Đóng tàu Ba Son ra các khu vực cảng mới quy hoạch ở Cát Lái, Thị Vải, Hiệp Phước và Cái Mép rất chậm nên hằng ngày vẫn còn hàng ngàn lượt xe tải ra vào TP để chuyên chở hàng hóa. Theo đại diện của các cảng biển và doanh nghiệp, khi các cảng di dời ra ngoài thì tự khắc sẽ không còn xe tải lưu thông trong nội thành. Còn trong điều kiện các cảng biển chưa di dời xong thì cần phải điều chỉnh thời gian phù hợp để tạo điều kiện cho xe tải lưu thông vào TP.
Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TP cho rằng, nên cho xe tải nặng lưu thông từ 22h đến 6h sáng hôm sau, thay vì bắt đầu từ 24h như hiện nay. Theo ông Chung, sau thời điểm 22h thì người dân đã bớt ra đường, giao thông trở nên thông thoáng, nên xe tải lưu thông trong thời điểm này hoàn toàn không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Những khó khăn thực tế khi thực hiện Quyết định 66 đã khiến Sở Giao thông Vận tải phải tổ chức các cuộc họp để tìm giải pháp hợp lý nhất. Tuy nhiên, đến ngày 5-12, vẫn chưa có một điều chỉnh nào đưa ra, và các doanh nghiệp vẫn đang khốn khó, bởi những tháng cuối năm nhu cầu trao đổi hàng hóa rất lớn, nhưng hiện lại bị "tê liệt" vì thời gian vận chuyển quá ít. Các doanh nghiệp lo ngại rằng, nếu cứ kéo dài như thế này thì chắc chắn nhiều hợp đồng hàng hóa sẽ bị hủy và gây thiệt hại lớn.
Theo Hiệp hội Vận tải TP, đoạn đường từ khu chế xuất Tân Thuận - Huỳnh Tấn Phát - Cầu Phú Mỹ - Tỉnh lộ 25B - Cảng Cát Lái hoặc các ICD và ngược lại không được lưu thông, trong lúc đó tuyến đường này chiếm 80% số lượng hàng hóa ra, vào khu chế xuất Tân Thuận. |