Bài 1: “Vái tứ phương”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 07/12/2011

(HNM) - Sau 11 năm khăn gói hết miền xuôi đến miền ngược, vào Nam ra Bắc, ghé hết nhà thầy lang nọ, bà mế kia… vợ chồng chị Hòa, anh Khang (Hà Nội) quyết định sử dụng "biện pháp cuối cùng", đó là xin được làm thụ tinh ống nghiệm.

Dù đã tìm hiểu khá kỹ càng, cộng thêm kinh nghiệm truyền khẩu của những người cùng cảnh ngộ về nỗi cơ cực khi đi điều trị hiếm muộn, vậy mà đến khi con bé Bầu tròn một tuổi, vợ chồng chị Hòa vẫn còn nguyên những cung bậc cảm xúc đặc biệt mà họ đã trải qua trên chặng đường đi tìm con yêu.

Kết hôn năm 1997, sau một năm vẫn chưa thấy có tin mừng, vợ chồng chị Hòa quyết định đi kiểm tra sức khỏe sinh sản. Ngày ấy, theo đúng quy trình, để có được kết luận chính xác của bác sĩ về tình trạng bệnh của mình, những người hiếm muộn phải mất ít nhất 3 tháng để làm các xét nghiệm cần thiết. Bệnh viện thì chật chội, người thì đông, máy móc trang thiết bị lạc hậu, để làm được một xét nghiệm phải mất hàng giờ, còn chờ siêu âm thì cả buổi có khi vẫn chưa đến lượt… Thấy vợ đau đớn khi phải làm thủ thuật nạo lấy niêm mạc tử cung, đặc biệt sau khi chụp tử cung vòi trứng, mặt chị Hòa tái mét, tay ôm bụng, nôn khan, lảo đảo như sắp ngã, anh Khang không ít lần đề nghị vợ bỏ giữa chừng.

Thế rồi 3 tháng cũng trôi qua, sức khỏe của hai vợ chồng hoàn toàn bình thường, anh chị Hòa vừa buồn vừa vui. Vui vì mình không có bệnh, thì rất có thể, việc chậm con chỉ là do chưa đến duyên, do căng thẳng tâm lý. Buồn là vì có rất nhiều cặp hiếm muộn không rõ nguyên nhân như anh chị đã không bao giờ được bồng con trên tay. Theo tư vấn của bác sĩ, chị Hòa dùng thuốc kích trứng, theo dõi sự phát triển của nang noãn bằng siêu âm đầu dò, từ đó canh ngày để có thể thụ thai tự nhiên. Trong 3 chu kỳ, cứ đến ngày theo chỉ định của bác sĩ, chị lại xếp hàng siêu âm canh trứng ở phòng khám ở đầu phố Lý Thường Kiệt, sau đó vội vàng chạy về bệnh viện để bác sĩ đọc kết quả, chỉ định bước điều trị tiếp theo. Dù nang trứng phát triển rất tốt, nhưng thất bại hoàn thất bại, anh chị phải dừng 3 chu kỳ để buồng trứng có thời gian hồi phục rồi mới có được xem xét có thể điều trị tiếp hay không.

Có bệnh thì vái tứ phương, Tây y chưa được thì thử tìm đến Đông y. Theo lời mách của chị bạn, trong thời gian Tây y "bắt nghỉ ngơi", vợ chồng chị Hòa tìm đến nữ bác sĩ Đông y rất có tiếng ở Hà Nội. 6h30 sáng chị có mặt ở khu Trung Tự, nơi bác sĩ đặt phòng mạch đã thấy hơn chục người ngồi chờ. Sau khi bắt mạch cho cả hai vợ chồng, bác sĩ kết luận gan và thận của chồng chị yếu, thận của chị cũng không khỏe, nên khó có con. Theo yêu cầu, vợ chồng chị đi xét nghiệm chức năng gan, thận và kết quả bình thường, nhưng bác sĩ vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Bà kê đơn thuốc trong một tháng cho hai vợ chồng, hết thuốc đến khám lại. "Đã theo thì phải tin, cứ uống đi, không bổ chỗ này thì tốt chỗ khác", vợ chồng chị vừa uống thuốc vừa động viên nhau. Nhưng sau 6 tháng, ngày nào cũng 3 bát thuốc to đùng mà vẫn không thấy thay đơn thuốc mới, chị Hòa quyết định bỏ cuộc để "theo" một ông lang ở Hà Đông cũng được tiếng mát tay. Nhưng rốt cuộc, sau hơn một năm uống thuốc của ông lang, rồi gần một năm uống thuốc lá và cao da của bà mế ở Hà Giang, tới mức đồ gỗ trong nhà cũng đặc mùi thuốc Bắc, vợ chồng chị Hòa lại phải đầu hàng. Cho tới tận bây giờ, hễ ngửi thấy mùi thuốc Bắc bụng dạ chị nôn nao y như ai đó đang đảo lộn phủ tạng…

Ngoài chữa bệnh, anh chị không quên phần tâm linh. Người ta bảo anh chị cưới vào ngày nguyệt phạm, khó có con (ngày nguyệt phạm mà sao hôm đó lắm đám cưới thế!), muốn thay đổi thì phải cưới lại. Anh chị cũng sắm sanh làm lễ cưới lại lần thứ nhất, rồi lần thứ hai. Vậy mà niềm vui vẫn chưa gõ cửa.

Sau 3 năm theo Đông y, anh chị Hòa lại quay về với y học hiện đại. Lần này anh chị tìm đến vị giáo sư đầu ngành về nội tiết sản phụ khoa của Việt Nam. Sáu tháng uống thuốc, siêu âm canh trứng, khám xét rất cẩn thận, cuối cùng vị giáo sư cũng lắc đầu: "Thật lạ, trứng của chị phát triển rất tốt, 4 chỉ số khác, mà theo tôi là rất cần để việc thụ thai thành công, của chị lúc nào cũng đạt điểm A, vậy sao không có kết quả nhỉ?", vị giáo sư đăm chiêu, "Chị tạm nghỉ vài tháng rồi quay lại đây, biết đâu lúc đó tôi lại tìm ra đáp số".

Đông y không được, Tây y miền Bắc vẫn chưa "thiêng", hai vợ chồng khăn gói vào Nam gõ cửa Bệnh viện Từ Dũ. Lại khám, làm tất cả các xét nghiệm từ đầu, lại uống thuốc kích trứng để làm IUI. Sau 3 tháng ăn chực nằm chờ ở khách sạn mà không thu được kết quả gì, anh chị quay ra Bắc.

Bất lực, vợ chồng chị Hòa dừng việc chạy chữa lại, cùng nhau đi du lịch, tập yoga nâng cao cả sức khỏe, thể chất và tinh thần. Nói là dừng chạy chữa, nhưng anh chị vẫn tẩm bổ sức khỏe; hằng tháng, cứ đến gần giữa chu kỳ, chị Hòa vẫn đi siêu âm canh trứng và những ngày đó vợ chồng "gặp nhau" đều đặn. "Biết đâu "trăm bó đuốc lại bắt được con ếch", cố lên!", tối nào anh chị cũng động viên nhau như thế.

Nói là vậy, nhưng thực tế hễ ai mách chỗ nào có "thầy" giỏi anh chị đều tìm đến tận nơi. Hết Đông y rồi lại Tây y, hết thuốc Nam rồi thuốc Bắc; rong ruổi lên Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, sang Hưng Yên, vào Thanh Hóa, Nghệ An… Khi đi hào hứng bao nhiêu, lúc về thất vọng, chán nản bấy nhiêu.

"Chị nên mổ nội soi kiểm tra xem thế nào. Vì rất có thể chị có bất thường ở tử cung, vòi trứng, hay lạc nội mạc tử cung mà qua chụp phim, qua siêu âm và các xét nghiệm không thể phát hiện được". Theo lời khuyên của một bác sĩ đầu ngành sản khoa, chị Hòa xin mổ nội soi. Cầm kết quả của chị, vị bác sĩ vừa lắc đầu vừa nói: "Không có gì bất thường cả. Sao lạ vậy nhỉ? Với tình trạng này, tốt nhất anh chị nên tiến hành làm thụ tinh nhân tạo (IUI) vài chu kỳ. Nếu kết quả không khả quan thì xin làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chứ cứ chạy chữa lung tung thế này, tuổi ngày càng cao, cơ hội càng ít, mà không khéo lại mắc thêm bệnh".

Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, vợ chồng chị Hòa đã tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản trung ương.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Hà Kiên